25/09/2018 - 07:27

Tự động hóa cho vườn cây ăn trái 

Thành phố Cần Thơ có hơn 17.000 ha vườn cây ăn trái, với sản lượng trái cây đạt hơn 100.000 tấn/năm. Nhằm  nâng cao hiệu quả sản xuất và năng suất lao động cho nông dân, ngành chức năng thành phố đã hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là áp dụng các hệ thống tưới nước, phun thuốc tự động cho vườn cây, tiết kiệm và giảm được nhiều thời gian, chi phí chăm sóc cây trái...

Nhiều lợi ích

Gia đình ông Nguyễn Thanh Bình, ngụ khu vực Thới Thạnh, phường Thới An, quận Ô Môn có 20 công đất trồng cây ăn trái. Trong đó có 10 công vườn đã được ông Bình lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, với chi phí khoảng 8 triệu đồng/công. Ông Bình cho biết: “Chi phí đầu tư ban đầu hơi ngán nhưng lâu dài có lợi bởi hệ thống này xài rất tiện lợi, chỉ cần bật công tắc hoặc nhấn điều khiển từ xa bằng điện thoại là các vòi nước tự phun tưới cho vườn cây đều khắp, với chi phí rất thấp. Trước đây, tưới nước cho 10 công vườn bằng máy bơm tôi phải tốn khoảng 40.000 đồng tiền xăng và mất thời gian hơn nửa ngày. Hiện nay, tưới bằng hệ thống tự động chỉ mất 15-20 phút và tốn khoảng 3.000-4.000 đồng tiền điện/lần tưới. Tôi tiết kiệm tiền tưới nước trên dưới 40 triệu đồng/năm”.


Mô hình tưới phun tự động tại vườn cam xoàn của ông  Nguyễn Thanh Bình, ngụ khu vực Thới Thạnh, phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Ảnh:  KHÁNH TRUNG

Anh Cao Phát Triển ngụ ở phường Thới Long, quận Ô Môn cũng tiết kiệm được từ 35-40 triệu đồng mỗi năm nhờ sáng chế, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động cho 8 công vườn cây ăn trái của gia đình. Không chỉ dừng lại ở đó, anh còn tìm học tập qua sách, báo, Internet và học hỏi các nơi để nghiên cứu, sáng chế thêm các hệ thống phun thuốc, bón phân tự động cho vườn cây ăn trái. Vừa qua, anh Cao Phát Triển cũng đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao giải Khuyến khích trong cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0”, với dự án Thiết kế và lắp đặt hệ thống tưới nước và phun thuốc tự động điều khiển từ xa bằng điện thoại di động. Anh Cao Phát Triển, cho rằng:  “Trồng cây ăn trái tốn công nhất là ở các khâu tưới nước, bón phân và phun xịt thuốc, các khâu này chiếm khoảng 70-80% trên tổng chi phí nhân công. Do vậy, tôi đã tập trung nghiên cứu, tự động hóa khâu tưới nước, bón phân và phun thuốc để giảm chi phí sản xuất và giúp người trồng cây đỡ vất vả. Hiện tôi cũng đã hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới vườn tự động cho nhiều nông dân tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL”. Theo anh Triển, tùy theo loại cây trồng và hình thế của vườn cây mà nghiên cứu, bố trí lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động một cách phù hợp. Chi phí lắp đặt hệ thống tưới tự động cho vườn cây rộng từ 4.000m2 trở lên ở mức khoảng 7-8 triệu đồng/1.000m2, bảo hành 12 tháng. Hệ thống này có thể sử dụng được rất lâu, đến hết cả vòng đời của cây.

Theo Trạm Khuyến nông quận Ô Môn, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp thì việc ứng dụng công nghệ tưới tự động, tiết kiệm nước, giảm nhân công tưới và tiết kiệm thời gian chăm sóc cho vườn cây là rất cần thiết. Đồng thời, đây cũng là giải pháp hiệu quả đảm bảo sản xuất nông nghiệp phát triển trong điều kiện nguồn lao động trong nông nghiệp ở nông thôn ngày càng giảm do lao động chuyển dịch sang các lĩnh vực phi nông nghiệp và tìm cơ hội việc làm ở các đô thị lớn. Nhận thức được vai trò quan trọng đó, các cơ quan chuyên môn đã tư vấn, hỗ trợ chi phí cho nông dân xây dựng mô hình điểm và mô hình trình diễn để nhiều nông dân học tập, ứng dụng vào sản xuất. Ông Nguyễn Trí Thức, cán bộ kỹ thuật, Trạm Khuyến nông quận Ô Môn, cho biết: “Ngoài việc tiết kiệm nước tưới, công sức, năng lượng và nguyên vật liệu, việc ứng dụng công nghệ tưới tự động góp phần tăng năng suất canh tác, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Đến nay, quận Ô Môn có hơn 60 ha cây ăn trái và 2,5 ha rau màu của nông dân được áp dụng hệ thống tưới tự động”.  

Khuyến khích ứng dụng

Hội thảo đầu bờ “Hệ thống tưới vườn tự động điều khiển bằng remote hoặc điện thoại di động” tại khu vực Thới Thạnh, phường Thới An, quận Ô Môn, do Hội nông dân thành phố tổ chức nhằm hỗ trợ tư vấn và khuyến khích nông dân áp dụng vào sản xuất. Tại hội thảo này, nông dân được tham quan thực tế mô hình và được tư vấn, giải đáp thắc mắc bởi các diễn giả - vốn là những nông dân có kinh nghiệm trong lắp đặt, sử dụng hệ thống tưới vườn tự động, trong đó có anh Cao Phát Triển, nông dân tại quận Ô Môn đã rất thành công trong việc sáng chế, lắp đặt các hệ thống tưới nước, phun thuốc tự động cho vườn cây của gia đình thời gian qua.

Ông Lê Bá Phước, Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ, cho biết: chúng tôi muốn nông dân được “mắt thấy tai nghe” về hệ thống tưới vườn tự động để mạnh dạn đầu tư vào sản xuất. Trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng tăng và trước nguy cơ thiếu nguồn nước ngọt, nông dân cần quan tâm ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước và giảm chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật khác vào sản xuất gắn với việc chọn giống tốt, tăng cường liên kết giữa các bên liên quan để xây dựng vùng sản xuất, có thương hiệu, an toàn vệ sinh thực phẩm... nhằm đảm bảo đầu ra sản phẩm”.

 Thời gian qua, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ cũng đã phối hợp với Hội Nông dân TP Cần Thơ,  và địa phương để hỗ trợ, khuyến khích nông dân áp dụng các hệ thống tưới nước tự động cho vườn cây. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân  áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, mô hình hiệu quả vào sản xuất để có chất lượng sản phẩm tốt và đảm bảo anh toàn thực phẩm, nhất là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, vận động nông dân tăng cường liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp để hình được các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung,  phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Theo bà Trần Thị Kim Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, để nâng cao hiệu quả vườn cây ăn trái, đòi hỏi nông dân phải tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, trong đó có việc áp dụng tưới tự động để giảm chi phí và chăm sóc tốt cây trồng trong điều kiện biến đổi khí hậu. Khi phát triển trồng cây ăn trái, nông dân cũng cần chú ý khâu chọn giống để đảm bảo có giống tốt, sạch bệnh, cây sinh trưởng phát triển tốt. Bên cạnh đó, nông dân cần sử dụng phân bón hữu cơ, thường xuyên cắt tỉa cành và trái hư để cho sản phẩm trái đạt chất lượng và duy trì phát triển bền vững vườn cây.

KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết