Hướng đến ngày 15-12-2007, ngày bắt buộc người ngồi trên mô tô, xe gắn máy lưu thông trên tất cả các tuyến đường phải đội mũ bảo hiểm (MBH), ngày 9-12 vừa qua, cùng với nhiều địa phương trong cả nước, Ban An toàn giao thông (ATGT) TP Cần Thơ đã tổ chức lễ phát động mọi người dân đội MBH khi lái xe gắn máy, mô tô. Cùng ngày, Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức trao tặng MBH cho những người nghèo thường xuyên sử dụng mô tô, xe gắn máy làm phương tiện kiếm sống nhưng không đủ khả năng mua MBH. Theo kế hoạch, ngày 13-12-2007, Ban ATGT TP Cần Thơ cũng sẽ tổ chức trao 120 MBH cho các hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo ở quận Ô Môn.
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về đội MBH trong thời gian qua, việc Ủy ban ATGT quốc gia và Ban ATGT các địa phương phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân tài trợ để tặng MBH cho những người nghèo là việc làm rất có ý nghĩa, được nhiều người hoan nghênh. Vậy là, nhiều người nghèo khó đã không bị bỏ quên, đã được cộng đồng trợ giúp để bảo vệ tính mạng khi đi xe gắn máy, mô tô.
Nhưng... đội MBH chưa hẳn là tai nạn giao thông (TNGT) sẽ giảm. Nói khác đi, MBH chỉ là điều kiện cần để bảo vệ cái đầu (sinh mạng) cho người lái xe chứ không đồng nghĩa với việc nhận thức về Luật Giao thông đường bộ (GTĐB), về ATGT của người có MBH sẽ tăng lên. Số liệu tham khảo: Chỉ tính trong 10 tháng đầu năm nay, theo thống kê của Ủy ban ATGT quốc gia, cả nước xảy ra 12.128 vụ TNGT, làm 10.892 người chết (tăng 456 người so với cùng kỳ năm 2006) và 9.124 người bị thương. Số liệu này là đáng lo ngại nếu biết rằng từ ngày 15-9 năm nay, việc bắt buộc đội MBH đã được thực hiện trên tất cả các tuyến quốc lộ theo tinh thần Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Thế mà, số người chết vì TNGT vẫn tăng hơn cùng kỳ năm trước!
Thời gian qua, nhận thức về việc đội MBH nói riêng và chấp hành Luật GTĐB trong các tầng lớp nhân dân có nâng lên. Song, nhận thức này không đồng đều ở các địa phương, trong các tầng lớp nhân dân. Ở khu vực thành thị, các khu tập trung đông dân cư, nơi có điều kiện thông tin thuận lợi... thì việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục về Luật GTĐB cho người dân dễ dàng hơn so với khu vực nông thôn, ngoại thành. Song, ngay cả ở khu vực thành thị, vẫn còn nhiều người chưa quan tâm đến việc học tập pháp luật về giao thông. Một cán bộ lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ- Công an TP Cần Thơ cho biết đã gặp tình trạng tổ chức cho các lái xe, phụ lái xe khách, xe tải học Luật GTĐB nhưng họ lại cử vợ hoặc con đến dự. Lý do: việc tổ chức học vào ban ngày nên họ không thể “bỏ buổi cày”sợ thất thu ngân sách gia đình (!)
Từ thực tế trên đây, có thể thấy, việc giáo dục, tuyên truyền pháp luật về giao thông, trong đó có việc tuyên truyền về đội MBH, trong các tầng lớp nhân dân thời gian tới cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, với những cách làm đa dạng, phối hợp nhiều lực lượng thì mới mong có chuyển biến tích cực.
Nên chăng, lực lượng cảnh sát giao thông cùng các ngành hữu quan tăng cường tổ chức các lớp dạy miễn phí về Luật GTĐB cho những người dân nông thôn, những người lao động nghèo, những người phải bỏ nông thôn ra thành thị tìm việc làm (phần đông vốn có trình độ học vấn tương đối thấp)... Họ là đối tượng không có hoặc ít có điều kiện học, tìm hiểu về Luật GTĐB. Ở nội ô, nên tổ chức lồng ghép theo sinh hoạt tổ dân phố, sinh hoạt của các đoàn thể và tổ chức vào buổi tối để những người ban ngày phải đi làm có thể tham gia học.
Để có hiệu quả thiết thực, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân cấp cơ sở... cần tích cực tham gia hỗ trợ hoạt động phổ biến pháp luật về giao thông (trong tư cách là báo cáo viên hoặc người phối hợp tổ chức); xem đây là một trong những mặt công tác trọng tâm thời gian tới để góp phần cùng cộng đồng hạn chế TNGT. Bên cạnh đó, có thể xem xét việc học tập và chấp hành tốt pháp luật về giao thông là một điều kiện để xem xét ưu tiên trong vay vốn làm ăn, học tập, trong việc công nhận danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm.
Song song đó, các ngành chức năng cũng cần đẩy mạnh hơn nữa việc kết hợp với các đơn vị sản xuất, kinh doanh xe gắn máy, các doanh nghiệp có tâm trong vấn đề ATGT tổ chức biên soạn, thông báo ngắn gọn, dễ hiểu một số thông tin mà người điều khiển mô tô, xe gắn máy cần biết, cần tuân thủ về Luật GTĐB theo kiểu tờ rơi, tờ bướm... Những tài liệu này được phát không cho học sinh, sinh viên ở các trường, cho người dân ở các chợ, các bến xe, các khu dân cư... Ngoài nguồn kinh phí nhà nước, các địa phương cũng nên vận động các doanh nghiệp, các đơn vị, cá nhân tiếp tục hỗ trợ để tặng MBH cho các gia đình nghèo và yêu cầu họ phải cam kết thực hiện đúng việc đội MBH, chấp hành tốt Luật GTĐB.
Mỗi người khi bước lên mô tô, xe gắn máy phải tự giác đội MBH. Mỗi người nếu tự chuyển biến được nhận thức từ chuyện thiết thân nhất, liên quan trực tiếp đến sinh mạng, quyền lợi của mình thì mới có cơ sở để chuyển biến nhận thức trong số đông, tạo thành một hiệu ứng cộng đồng trong việc tuân thủ luật pháp để giảm TNGT.
GIA HUY