03/01/2019 - 19:39

Từ chức hay sa thải? 

Chưa nguôi giận trước lá đơn từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp nội các đầu năm mới tiếp tục chỉ trích cựu tướng 4 sao và tuyên bố lãnh đạo Lầu Năm Góc bị ông “sa thải”.

Lá thư từ chức với ngôn từ sắc bén nhắm vào sách lược đối ngoại của chính quyền Trump được Bộ trưởng Mattis gởi hôm 20-12, một ngày sau quyết định gây tranh cãi của ông chủ Nhà Trắng rút quân khỏi Syria và giảm sự hiện diện tại Afghanistan. Quan điểm của ông Mattis bị cho “chọc giận” Tổng thống Trump, dẫn đến việc ông bị buộc nghỉ việc từ ngày 1-1, sớm hơn 2 tháng so với nguyện vọng.

 Tổng thống Trump (trái), bên cạnh là Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Shanahan. Ảnh: Getty Images

Tại cuộc họp hôm 2-1, bên cạnh người vừa kế nhiệm ông Mattis, Tổng thống Trump nói rằng bản thân không hài lòng trước những gì vị tướng 68 tuổi đã thể hiện trong vai trò đứng đầu Lầu Năm Góc. “Ông ấy đã làm được gì cho tôi? Ông ta đã làm gì ở Afghanistan? Không tốt lắm. Tôi không hài lòng với những gì ông ấy đã thực hiện ở Afghanistan. Tổng thống Barack Obama đã sa thải ông ta và trên cơ bản, tôi cũng đã làm như vậy” - ông Trump tuyên bố (dưới thời ông Obama, tướng Mattis từng phải sớm rời khỏi ghế Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm).

Đây không phải lần đầu lãnh đạo Mỹ “tấn công” nhân viên sau khi họ từ chức hoặc bị sa thải. Trước đó, ông từng không tiếc lời chỉ trích cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson, cho rằng lẽ ra phải đuổi việc ông ta sớm hơn.

Đáng nói là lần này, những nhận xét mang tính công kích hướng đến vị tướng không chỉ được tôn trọng ở Lầu Năm Góc mà còn nhận sự ủng hộ từ lưỡng đảng cùng nhiều đồng minh của Mỹ. Chính ông Trump trước đó cũng ca ngợi tướng Mattis là người “rất tài năng”, thậm chí có thể giúp hiện thực hóa cam kết “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Theo Washington Post, bình luận chê bai từ ông Trump làm phức tạp thêm nỗ lực ổn định của Lầu Năm Góc trước những khoảng trống để lại sau sự ra đi của cựu tướng thủy quân lục chiến.

Hiện Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan vẫn chưa đưa ra quan điểm cá nhân về kế hoạch sắp tới ở Syria. Ông cũng không bình luận về sự hiện diện của Mỹ ở Afghanistan. Tuy nhiên, một quan chức cho biết Quyền Bộ trưởng đã gặp gỡ các quan chức dân sự, quân sự cấp cao tại Lầu Năm Góc và chỉ thị họ tiếp tục tập trung vào các ưu tiên được xác định trong Chiến lược Quốc phòng Quốc gia 2018. Chiến lược này vốn coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” và xác định Bắc Kinh sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình hiện đại hóa quân sự nhằm tìm kiếm quyền kiểm soát khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tiến tới thay thế Mỹ trở thành bá chủ toàn cầu trong tương lai gần.

Theo mô tả của nhiều quan chức, ông Shanahan là người ủng hộ lập trường cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh. “Trong khi chúng tôi tập trung vào những chiến dịch đang diễn ra, Quyền Bộ trưởng Shanahan nói rằng hãy chú ý đến Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc” - một quan chức nói trong điều kiện giấu tên. Bằng cách ưu tiên đối phó Trung Quốc hơn là cuộc chiến của Mỹ ở Syria hoặc Afghanistan, giới quan sát cho rằng tân lãnh đạo Bộ Quốc phòng có thể đang tìm cách thể hiện quan điểm và tầm nhìn của ông Trump.

Theo Reuters, Nhà Trắng đang cho thấy sẽ không lùi bước trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc cũng như không có dấu hiệu nhượng bộ vấn đề Đài Loan và Biển Đông.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết