Tại Hội thảo khoa học "Văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thực hiện tiêu chuẩn người Cần Thơ trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch" do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức mới đây, nhiều văn nghệ sĩ, nhà khoa học đã đánh giá cao về truyền thống VHNT lâu đời ở đất Cần Thơ. Chính bề dày truyền thống ấy đã góp phần định hình tính cách của người Cần Thơ hôm nay.
Báo Cần Thơ lược ghi ý kiến của một số đại biểu có tham luận tại Hội thảo.
NHÀ BÁO VŨ THỐNG NHẤT, HỘI VĂN NGHỆ DÂN GIAN TP CẦN THƠ:
5 tiêu chí về người Cần Thơ khá gần với "tiêu chí" trong Sắc Thần thuở xưa
Cái danh Tây Đô được cả "lục tỉnh" thừa nhận cũng bởi tạo được một dấu ấn văn hóa trong dòng chảy VHNT đặc sắc và đáng tự hào. Cần Thơ là nơi sinh ra Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa- tác giả vở tuồng "Kim Thạch kỳ duyên" cổ nhất nước ta, là quê hương của "Tao đàn Bà Đồ" tụ hội tài văn chói sáng Nam bộ như Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt, Lê Quang Chiểu, Nguyễn Thần Hiến
Cần Thơ có "Hậu Tổ cải lương" là soạn giả Mộc Quán- Nguyễn Trọng Quyền với hơn 90 vở cải lương và làm thầy tuồng cho 5 gánh hát lớn ở Cần Thơ, 3 gánh hát lớn ở Nam bộ. Trường Collège de Cantho là cái nôi tri thức của nhiều thế hệ học sinh, sau trở thành chiến sĩ cách mạng, nhà khoa học, văn nghệ sĩ như Châu Văn Liêm, Tạ Thanh Sơn, Nguyễn Văn Hiếu, Lưu Hữu Phước, Sơn Nam
Cần Thơ từ xưa đã khẳng định vị thế về văn học nghệ thuật với những nhân vật tiêu biểu: Bùi Hữu Nghĩa, Bà Đồ, Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền... Trong ảnh: Một góc khu tưởng niệm cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Ảnh: DUY KHÔI
Từ xưa, Cần Thơ đã có "tiêu chí" về con người khá cụ thể: "Quảng Hậu- Chánh Trực- Hữu Thiện- Đôn Trang", được thể hiện trong bản dịch Sắc Thần từ năm 1852 ở đình làng Nhơn Ái (Phong Điền- Cần Thơ). 4 yêu cầu này có nội dung khá gần với tiêu chí xây dựng người Cần Thơ mới "Trí tuệ- năng động- nhân ái- hào hiệp- thanh lịch". Việc xây dựng con người Cần Thơ hôm nay chính là sự tiếp nối, chắt lọc, phổ biến nét đẹp truyền thống của cha ông, phù hợp với bối cảnh mới. Điều này sẽ giúp nội lực người Cần Thơ có sức thanh lọc văn hóa ngoại lai (không phù hợp), giữ bản sắc truyền thống.
Tôi xin đề xuất một số mô hình văn hóa trong tương lai của Cần Thơ. Đầu tiên, nhanh chóng quy hoạch xây dựng "Làng cổ Bình Thủy- Long Tuyền" (đã được công nhận Tốp 5 ngôi làng cổ có niên đại hàng trăm năm nổi tiếng của Việt Nam- PV). Tại đây sẽ trình diễn các hoạt động VHNT dân gian trong bối cảnh Nam bộ, ĐBSCL chưa có hoặc chưa được quy hoạch một làng cổ đúng nghĩa, chuyên nghiệp. Cần Thơ cần xây dựng "Nhà biểu diễn nghệ thuật truyền thống ĐBSCL" với những chương trình nghệ thuật chắt lọc, đặc sắc vừa bảo tồn văn hóa vừa phục vụ du lịch. Tuyến đường Hai Bà Trưng ở bến Ninh Kiều cần được quy hoạch thành điểm tổ chức "Lễ hội đường phố" đúng nghĩa (tỷ như ở Hồng Công, giữa các siêu thị, tòa nhà cao tầng, có những con đường nhỏ, định kỳ vào ngày cuối tuần có trình diễn nghệ thuật truyền thống). Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ tổ chức hằng năm phải mang đậm tính dân gian, cổ truyền của ẩm thực Cần Thơ và Nam bộ
NHÀ NGHIÊN CỨU TRẦN MINH THƯỜNG (SÓC TRĂNG):
Lời thơ, điệu lý đất Tây Đô góp phần thực hiện tiêu chuẩn người Cần Thơ
"Cần Thơ gạo trắng nước trong. Ai đi đến đó lòng không muốn về"- câu ca dao lưu truyền từ bao đời đã làm lay động lòng người mỗi khi có dịp dừng chân ghé thăm vùng đất thơ mộng bên dòng Hậu Giang. Xuất xứ từ tên gọi "Cầm Thi Giang", Cần Thơ là vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa sông nước.
Sông nước Cần Thơ - một phần trong đời sống người Cần Thơ xưa và nay. Ảnh: DUY KHÔI
Thông qua những mẩu chuyện, giai thoại dân gian, nhân cách của người Cần Thơ hiển hiện một cách rõ nét. Từ những gương trung liệt của Chánh Lãnh binh Võ Duy Tập "sanh vi tướng, thác vi thần" đến chuyện Đinh Sâm dấy binh chống giặc xâm lược vùng Ba Láng- Trà Niềng, chuyện Hội đồng Nguyễn Thần Hiến ủng hộ phong trào Đông Du, hốt thuốc cứu người
Tiếp đến là đồng dao, trò chơi dân gian cần được phổ biến rộng hơn. Biết bao biểu hiện nhân văn, trí tuệ được người xưa gửi gắm vào đây. Chẳng hạn bài "Mười ngón tay" rèn luyện trí thông minh của bé, sưu tầm từ lời hát của bà Lê Thị Bảy ở Thới Long, Ô Môn: "Mười ngón tay. Ngón đi cày. Ngón tát nước. Ngón cầm lược. Ngón chải đầu
".
Nhiều câu hò, điệu lý, hát ru, cũng như những làn điệu dân ca ở Cần Thơ trước đây đã được nhóm tác giả Lư Nhất Vũ- Lê Giang- Nguyễn Văn Hoa- Minh Luân sưu tầm trong công trình "Dân ca Hậu Giang". Những điệu hát dân gian này thể hiện tâm hồn nghệ sĩ, mang nhiều thông điệp ý nghĩa cuộc sống. Hiện tại, chúng ta cần tổ chức hội thi, phục dựng những điệu hát này để làm sống lại tâm tư của ông cha từ bao đời cho thế hệ hôm nay. Bên cạnh đó, cũng cần có những công trình khảo cứu, sưu tầm lưu giữ, cố định bằng văn bản cho các tác phẩm văn học và âm nhạc dân gian Cần Thơ. Điều này đòi hỏi sự đầu tư, tâm huyết của những học giả, nhà khoa học yêu quý miền đất này.
NHÀ VĂN HOÀI PHƯƠNG, HỘI VIÊN HỘI VĂN NGHỆ DÂN GIAN VIỆT NAM:
Đất Cần Thơ góp phần hình thành tính cách người Cần Thơ
Kể từ năm 1739 khi đơn vị hành chính Trấn Giang được thành lập, tính đến nay đã 227 năm, vùng đất này đã nhiều lần thay đổi địa giới hành chính. Dù vậy, Trấn Giang- Cần Thơ vẫn là Tây Đô, thủ phủ của miền Tây Nam bộ từ hơn trăm năm trước, nay là đô thị loại I- thành phố trực thuộc Trung ương.
Có thể nói, người Cần Thơ mang trong mình phẩm chất tiêu biểu của người miền Tây, bởi Cần Thơ xưa là một tỉnh đồng bằng nhưng nhờ khí hậu tương đối điều hòa, ít bị thiên tai bão lụt, đất đai màu mỡ, giàu sản vật nên tác động đến đời sống, tâm tư, tình cảm của con người nơi đây. Cần Thơ là nơi hợp lưu của nhiều dòng sông, trên bến dưới thuyền, thương hồ tứ xứ thường xuyên gặp gỡ, việc mua bán lúc nào cũng sôi động, lam lũ nhưng không kém phần lãng mạn. Từ những điều kiện thiên nhiên, văn hóa, lịch sử đó đã làm nên tính cách người Cần Thơ "Trí tuệ- năng động- nhân ái- hào hiệp- thanh lịch". Đúng vậy, người Cần Thơ thẳng ngay, "nói một là một, hai là hai", "nói như đinh đóng cột" và trượng nghĩa kiểu thấy ai bị ức hiếp thì không chịu ngồi yên.
Nói về tiêu chuẩn năng động, ông cha ta từ xưa đã thể hiện đức tính ấy trong lao động sản xuất. Nước dâng cao thì cất nhà sàn, mùa nước nổi thì len trâu, ngủ xuồng thì dùng nóp, muỗi nhiều thì ngủ mùng gió, mùng nước
Tính năng động đó ngày nay được người Cần Thơ thể hiện qua sự thích ứng trong canh tác nông nghiệp: cho trái nghịch vụ, kết hợp thâm canh, đa canh
TIẾN SĨ ĐÀO NGỌC CẢNH, TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ:
Một vài giải pháp phát huy vai trò VHNT trong thực hiện tiêu chuẩn người Cần Thơ
Đầu tiên, cần chú trọng xây dựng những tác phẩm VHNT về các danh nhân đất Cần Thơ như Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Châu Văn Liêm, Lưu Hữu Phước
Đây là những tấm gương rất tiêu biểu cho các phẩm chất tốt đẹp của người Cần Thơ mà chúng ta cần xây dựng. Kế đến, cần giới thiệu những gương người tốt việc tốt của người Cần Thơ trong thực tiễn cuộc sống, nhất là những hành động, việc làm tốt đẹp của người lao động. Đó sẽ là những chất liệu để các văn nghệ sĩ có thể xây dựng thành tác phẩm có giá trị.
Tổ chức trại sáng tác, giải thưởng VNHNT về chủ đề "Xây dựng người Cần Thơ" để tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ hướng đến chủ đề và có những tác phẩm tốt. Cơ quan báo, đài của TP Cần Thơ cũng cần mở chuyên mục về chủ đề này để người dân thành phố hưởng ứng.
Duy Lữ (lược ghi)