16/08/2023 - 20:41

Trung Quốc tìm cách giảm phụ thuộc vào quặng sắt Úc 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Dù quan hệ Trung Quốc - Úc dường như có dấu hiệu “tan băng”, nhưng Bắc Kinh đang dần tiến tới cắt giảm sự phụ thuộc vào quặng sắt của xứ chuột túi khi tìm cách đầu tư vào lĩnh vực này ở một số quốc gia châu Phi.

Quặng sắt nhập khẩu từ Úc, Brazil và các nước khác được bốc dỡ tại một cảng ở tỉnh Giang Tô. Ảnh: AFP

Mới đây, “gã khổng lồ” khai thác mỏ Rio Tinto và một liên doanh gồm các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc thông báo đã ký thỏa thuận quan trọng với Chính phủ Guinea để xây dựng một tuyến đường sắt xuyên Guinea nhằm vận chuyển quặng sắt từ đất liền quốc gia Tây Phi này đến bờ biển. Bold Baatar, một nhà quản lý Rio Tinto trong một thông cáo báo chí cho biết, tuyến đường sắt dài 600km này cùng với các cơ sở cảng sẽ “mở khóa” tiềm năng của dãy núi Simandou - nguồn cung cấp quặng sắt chất lượng cao, ít tạp chất chưa khai thác lớn nhất thế giới.

Thỏa thuận trên cũng bao gồm kế hoạch xây dựng một cảng nước sâu, 235 cây cầu và đường hầm dài tới 11km. Mặc dù tiềm năng của dãy núi Simandou đã được biết đến trong nhiều năm nhưng kinh phí “khủng” dành cho cơ sở hạ tầng tại đây luôn khiến các kế hoạch phát triển gặp nhiều trở ngại. Dãy Simandou được chia thành 4 khối và Trung Quốc đều vung tiền đầu tư phát triển tại tất cả các khối đó. Trong khi khối 1 và 2 ở phía Bắc do Chính phủ Guinea và liên doanh gồm Tập đoàn Wining International (Singapore) và Tập đoàn Weiqiao Aluminium (Trung Quốc) nắm giữ, khối 3 và 4 ở phía Nam do Chính phủ Guinea, “gã khổng lồ” Rio Tinto và một nhóm các doanh nghiệp nhà nước hàng đầu Trung Quốc nắm giữ, gồm Tập đoàn Nhôm Trung Quốc, Tập đoàn Thép Bảo Vũ, Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc và Công ty Xây dựng Cảng Trung Quốc. Ngoài việc làm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào quặng sắt của Úc, tiềm năng của dãy núi Simandou sẽ cho phép Bắc Kinh tiếp cận nguồn quặng sắt chất lượng cao nhưng lại ít tạp chất hơn.

Lauren Johnston, phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Ðại học Sydney (Úc), nhận định quặng sắt của Guinea có thể là loại nguyên liệu tốt nhất cho sản xuất quy mô nhỏ nhưng mang lại chất lượng siêu cao. Ðây vốn là loại vật liệu mà Ðức thèm muốn và phù hợp với giai đoạn “phát triển chất lượng cao” của Trung Quốc.

Ðộng thái trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc và Úc đang dần hàn gắn mối quan hệ vốn đã rạn nứt từ khi Canberra kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch COVID-19. Theo đó, Trung Quốc đã giảm thuế đối với lúa mạch nhập khẩu từ Úc.

Tờ Hellenic Shipping News Worldwide cho biết, Trung Quốc hồi năm 2022 đã nhập khẩu 69% quặng sắt từ Úc, gấp 3 lần lượng quặng sắt mà nước này nhập khẩu từ Brazil. Quặng sắt là nguyên liệu chính để sản xuất thép, không chỉ có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển tổng thể mà còn giữ vai trò quan trọng đối với việc Trung Quốc xây dựng hạm đội tàu chiến và tàu ngầm hải quân.

Song, quyết định tiếp tục dự án đường sắt Simandou báo hiệu quyết tâm của Trung Quốc trong việc từ bỏ sự phụ thuộc vào quặng sắt Úc. Với động thái này của đất nước tỉ dân, Guinea dự kiến sẽ trở thành nhà xuất khẩu quặng sắt lớn thứ ba thế giới, đánh bật thế thống trị của Úc trong lĩnh vực này.

Không chỉ tại Guinea, các công ty Trung Quốc còn đẩy mạnh đầu tư vào các dự án phát triển mỏ và cơ sở hạ tầng ở Sierra Leone và Liberia - những nơi có trữ lượng lớn quặng sắt và các khoáng sản khác như vàng và kim cương. Theo SCMP, tại Sierra Leone, Tập đoàn Leone Rock Metal của Trung Quốc sẽ đầu tư 230 triệu USD để xây dựng một nhà máy khai thác tại mỏ Tonkolili, nơi có trữ lượng quặng sắt ước tính 13,7 tỉ tấn, đồng thời cũng đang có kế hoạch nâng cấp và xây dựng lại tuyến đường sắt và cảng Pepel cách đó 180km với kinh phí 153 triệu USD. Theo Leone Rock Metal, việc nâng cấp sẽ cải thiện năng lực vận chuyển của tuyến đường sắt cũng như năng lực hoạt động của cảng để đảm bảo đạt được công suất xử lý hàng năm là 20 triệu tấn.

Chia sẻ bài viết