Theo kế hoạch ngày mai (4-11), Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cầm Đào sẽ bắt đầu chuyến thăm Pháp 3 ngày và sau đó sẽ đến Bồ Đào Nha nhằm thúc đẩy các mối quan hệ song phương, tiếp tục “chinh phục” thị trường và tăng cường vai trò của Trung Quốc tại châu Âu trong bối cảnh châu lục này đang gặp khó khăn về tài chính và rất cần vốn đầu tư nước ngoài.
Dự kiến Pháp và Trung Quốc sẽ ký kết một loạt thỏa thuận hợp tác, trong đó đáng chú ý nhất là năng lượng hạt nhân dân sự và máy bay thương mại. Chỉ tính riêng lĩnh vực hạt nhân, tập đoàn Areva của Pháp cho biết sẽ ký kết hợp đồng cung cấp nhiên liệu hạt nhân trị giá 3 tỉ USD cho Tổ hợp Năng lượng Hạt nhân Quảng Đông - Trung Quốc (CGNPC). Theo hợp đồng này, Areva sẽ cung cấp 20.000 tấn uranium cho CGNPC trong vòng 10 năm. Ngoài ra, Areva hy vọng sẽ đạt thêm tiến bộ trong đàm phán với CGNPC về việc xây dựng 2 lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới, đồng thời tiếp xúc lại với Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc xung quanh kế hoạch xây dựng một cơ sở tái chế hạt nhân.
|
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (phải) và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trong một cuộc gặp ở Bắc Kinh hồi tháng 8-2008. Ảnh: Xinhua |
Trong chuyến thăm Hy Lạp hồi tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã đồng ý cấp khoản tín dụng 4,5 tỉ USD cho các tập đoàn đóng tàu của nước này vượt qua cơn khủng hoảng nợ. Đổi lại, công ty hải cảng quốc doanh Trung Quốc Cosco được phép đầu tư 5 tỉ USD để xây dựng mở rộng cảng vận chuyển hàng hóa Piraeus, một cảng hàng hóa lớn nhất châu Âu nằm ở Thủ đô Athens. Sau khi hoàn thành nâng cấp, cảng này dự kiến sẽ có công suất vận chuyển hàng hóa tăng hơn gấp đôi, đạt 3,7 triệu container vào năm 2015. Ngoài khoản tín dụng và đầu tư lớn kể trên, Bắc Kinh còn cam kết sẽ mua trái phiếu sắp phát hành của chính phủ Hy Lạp. Sau Hy Lạp, ông Ôn Gia Bảo đã sang Ý và tạo điều kiện để tập đoàn Cosco đàm phán xây dựng một cảng hàng không vận chuyển hàng hóa ở phía Bắc Thủ đô Roma. Cảng này sẽ chuyên vận tải hàng hóa từ Trung Quốc sang Ý.
Trước đó, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã giành được hợp đồng xây dựng một đường cao tốc ở Ba Lan, trong đó đơn vị thi công sẽ được phép sử dụng công nhân và vật liệu của họ. Ireland cũng đã chấp nhận để Trung Quốc xây dựng một trung tâm công nghiệp và kỹ thuật trị giá khoảng 50 triệu USD nhằm tạo ra 10.000 việc làm mới.
Đầu tư cơ sở hạ tầng và tài chính của Trung Quốc tại châu Âu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới khi mà nhiều nước ở khu vực này vẫn đang khát vốn và đang cạnh tranh “lôi kéo” khoản dự trữ ngoại tệ hơn 2.300 tỉ USD từ Bắc Kinh. Chẳng hạn, Tây Ban Nha cũng cần bán trái phiếu cho Trung Quốc để trả món nợ công lên tới 625 tỉ USD.
Nhưng “bánh ít đi thì bánh quy lại”. Châu Âu đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và Bắc Kinh muốn tiếp tục mở rộng doanh thu xuất khẩu đến châu lục này. Và đặc biệt, theo tờ New York Times của Mỹ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn Liên minh châu Âu (EU) gây sức ép Bắc Kinh về vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ. Chuyến thăm Paris của ông Hồ Cẩm Đào cũng nhằm mục đích thuyết phục chính quyền của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy không “bắt chẹt” Trung Quốc vấn đề tỷ giá tiền tệ trước cuộc họp của Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu (G20) tại Hàn Quốc vào giữa tháng này và xa hơn là cuộc họp của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) và G20 tại Pháp vào năm tới. Trả lời phỏng vấn báo Le Figaro (Pháp) trước khi đi Paris, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh rằng chính sách tiền tệ của Trung Quốc là “minh bạch và có trách nhiệm”.
PHÚC NGUYÊN (Theo Le Figaro, AFP và BNO News)