07/11/2018 - 22:10

Trung Quốc phô diễn năng lực hàng không 

Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Trung Quốc diễn ra từ ngày 6 tới 11-11 được cho là dịp để Bắc Kinh phô diễn năng lực hàng không, vũ trụ quốc gia nhằm thu hút giới đầu tư trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ đang leo thang.

Ảnh: Reuters

Gây ấn tượng tại triển lãm năm nay là màn trình diễn của tiêm kích một động cơ J-10B với động tác nhào lộn “Rắn hổ mang” nổi tiếng. Đây là phiên bản nâng cấp của chiếc J-10 do Trung Quốc sản xuất. Theo các chuyên gia quân sự, J-10B được trang bị động cơ kiểm soát vector lực đẩy giúp nâng cao tính linh hoạt trong các trận không chiến. Ngoài J-10B, cuộc triển lãm còn giới thiệu dòng máy bay lớn sản xuất trong nước - thủy phi cơ đổ bộ AG600 (ảnh). Trung Quốc cho biết mục đích chính phát triển AG600 là phục vụ công tác cứu trợ cứu nạn, nhưng nhiều người tin rằng máy bay này sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Bắc Kinh ở Biển Đông. Khí tài quân sự đáng chú ý khác còn có máy bay vận tải hạng nặng chiến lược Y-20. Với trọng tải khoảng 66 tấn, “siêu vận tải cơ” của Trung Quốc có thể vận chuyển xe bọc thép và các thiết bị trong thời tiết khắc nghiệt, cho phép lực lượng vũ trang nước này mở rộng phạm vi triển khai.

Thông qua các hoạt động thao diễn và trưng bày vũ khí “Made in China”, giới phân tích cho rằng Bắc Kinh đang phô trương năng lực ngành hàng không – vũ trụ quốc gia, bất chấp cáo buộc cường quốc châu Á ăn cắp công nghệ và sao chép phần cứng của Mỹ. Nó cũng gởi đi thông điệp rằng Trung Quốc sẽ không để tham vọng phát triển hàng không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại với Washington.

Trước đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đánh giá cao khái niệm “hợp nhất quân sự-dân sự”, trong đó công nghệ được chia sẻ giữa quân đội và khu vực tư nhân. Điều này phù hợp với mục tiêu của Bắc Kinh trở thành cường quốc quân sự ngang hàng với Mỹ. Tuy nhiên, mối liên hệ này cũng là lý do để Tổng thống Mỹ Donald Trump siết chặt việc chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Trung Quốc.

Trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, đặc biệt khi cuộc chiến thương mại giữa hai bên vẫn chưa giải quyết, các nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh đang áp dụng chiến lược hai trục trong quan hệ với Mỹ. Theo đó, Trung Quốc một mặt tìm cách xoa dịu chính quyền Trump bởi họ hiểu rõ chưa phải lúc thách thức Washington một cách trực tiếp. Mặt khác, cường quốc châu Á vẫn tiếp tục đẩy mạnh phát triển năng lực quân sự với biểu tượng là dự án máy bay ném bom tàng hình chiến lược H-20 được cho có thể đặt bang Hawaii của Mỹ trong tầm ngắm.

Công bố mô hình trạm vũ trụ Thiên Cung

Mô hình trạm vũ trụ Thiên Cung cũng được Trung Quốc giới thiệu tại triển lãm Hàng không và Vũ trụ. Đây là trạm không gian đầu tiên của Trung Quốc với trọng lượng khoảng 60 tấn, sẽ là nơi sinh sống và làm việc lâu dài của các nhóm 3 nhà du hành, phục vụ công tác nghiên cứu sinh học và vi trọng lực.

Thiên Cung dự kiến hoàn thành vào năm 2022 và có tuổi thọ khoảng 10 năm. Đây sẽ là trạm không gian duy nhất trên quỹ đạo Trái đất sau khi Trạm Không gian Quốc tế (ISS) hợp tác giữa Nga, Mỹ, Canada, châu Âu và Nhật Bản sẽ “nghỉ hưu” vào năm 2024. Trung Quốc cho biết phòng thí nghiệm Thiên Cung sẽ mở cho tất cả quốc gia vì mục đích khoa học.

 

 

MAI QUYÊN  (Theo Nikkei Asian Review)

Chia sẻ bài viết