10/09/2021 - 20:58

Trung Quốc nhanh chân giành phần ở Afghanistan 

Trung Quốc vừa tuyên bố viện trợ hơn 30 triệu USD cho Afghanistan, sau khi hoan nghênh lực lượng Taliban thành lập chính phủ lâm thời ở nước này.

Ngoại trưởng Vương Nghị (phải) và một lãnh đạo cấp cao Taliban trong cuộc gặp hồi tháng 7. Ảnh: SCMP

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh cho biết, quyết định trên được đưa ra trong cuộc họp trực tuyến giữa ngoại trưởng các nước láng giềng Afghanistan hôm 8-9. Danh mục hỗ trợ khẩn cấp cho người dân Afghanistan bao gồm lương thực, thuốc men, vật tư cần thiết cho mùa đông và vaccine COVID-19. Tại cuộc họp, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị còn kêu gọi các quốc gia có chung biên giới với Afghanistan gồm Pakistan, Iran, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan chung tay hỗ trợ chính quyền mới ở Kabul xây dựng “cấu trúc chính trị rộng rãi và bao trùm, theo đuổi các chính sách đối nội, đối ngoại ôn hòa và thận trọng, vạch ra ranh giới rõ ràng với các lực lượng khủng bố”.

Tham vọng của Trung Quốc

Ðến nay, Trung Quốc chưa chính thức công nhận Taliban nhưng cho biết sẵn sàng duy trì liên lạc với chính quyền mới, bất chấp lực lượng này bị cho không tuân thủ cam kết thành lập một chính phủ “bao trùm”. Vào tháng 7, Bắc Kinh đã mời một số nhân vật cấp cao của Taliban đến đàm phán và đề nghị được hỗ trợ kinh tế cho Afghanistan. Trung Quốc hy vọng Taliban đảm bảo tiến trình “hòa bình, hòa giải và tái thiết”, kiên quyết trấn áp các tổ chức chức cực đoan, không để quốc gia Nam Á trở thành cứ địa của những kẻ khủng bố.

Theo giới quan sát, việc Trung Quốc nhanh chóng “chiêu dụ” Taliban sau khi Mỹ rút quân đã được dự đoán từ trước bởi Bắc Kinh không bỏ qua cơ hội lấp chỗ trống quyền lực của Washington, thúc đẩy mô hình dân chủ, quản trị và hòa bình “kiểu Trung Quốc” ở khu vực. Về kinh tế, giới chuyên môn cho biết một chính quyền ổn định và sẵn sàng hợp tác ở Afghanistan hoàn toàn có lợi đối với mục tiêu của Bắc Kinh mở rộng Sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Ðây cũng là vùng đất béo bở giúp Trung Quốc giải cơn khát tài nguyên khoáng sản, đặc biệt trữ lượng lớn các quặng đất hiếm vốn dùng trong sản xuất các linh kiện điện tử và vũ khí hiện đại. Ngoài ra, vị trí của Afghanistan còn là đường nối đất liền giữa Trung Quốc với Iran - nguồn cung dầu mỏ quan trọng giúp Bắc Kinh đảm bảo lĩnh vực an ninh năng lượng.

Nhiều yếu tố rủi ro

Theo các chuyên gia khu vực, Afghanistan về mặt lý thuyết có thể đóng vai trò quan trọng đối với lợi ích kinh tế và chiến lược của Trung Quốc. Nhưng sẽ “phi thực tế” nếu cho rằng Trung Quốc đã sẵn sàng để tiến sâu vào quốc gia Nam Á vốn bị chiến tranh tàn phá nặng nề.

Nói với Hãng tin CNBC, nhà phân tích Ekta Raghuwanshi cho rằng Trung Quốc thật sự quan tâm cơ hội tái thiết, đầu tư và khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản trị giá hàng ngàn tỉ USD ở Afghanistan. Nhưng họ cũng nhận thức rõ rủi ro về an ninh, hạn chế địa lý, cơ sở hạ tầng nên sẽ không sớm có bất kỳ động thái đáng kể nào. Hiện tại, Trung Quốc bày tỏ tin tưởng đối với chính phủ Taliban nhưng không có nghĩa sẵn sàng làm ăn với lực lượng này. Bên cạnh việc chưa đảm bảo giải quyết rủi ro khủng bố và phong trào sắc tộc trên khắp đất nước, Taliban vẫn còn nằm trong danh sách bị Mỹ, Liên minh châu Âu và Liên Hiệp Quốc trừng phạt; đồng nghĩa có nguy cơ cao vướng phải rào cản pháp lý và tài chính.

Trong một nhận định, giới chuyên môn cho rằng sự can dự của Trung Quốc ở Afghanistan có thể giống kế hoạch tái thiết có mục đích của họ ở Syria. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ thận trọng hơn để tránh rơi vào vũng lầy tương tự như Mỹ đã bị cuốn vào.

MAI QUYÊN (Theo CNN, CNBC)

Chia sẻ bài viết