19/02/2021 - 19:59

Trung Quốc muốn WHO sang Mỹ điều tra COVID-19 

Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa kết thúc cuộc điều tra về nguồn gốc COVID-19 ở thành phố Vũ Hán, giới chức Trung Quốc đã đề xuất WHO làm điều tương tự đối với Mỹ.

Chuyên gia Ben Embarek đưa ra biểu đồ về con đường lây truyền virus trước khi nhóm rời khỏi Vũ Hán. Ảnh: Time

“Chúng tôi hy vọng sau tấm gương của Trung Quốc, phía Mỹ sẽ thể hiện sự hợp tác tích cực về vấn đề truy vết nguồn gốc và mời các chuyên gia WHO đến điều tra”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói hồi tuần rồi. Ông Tăng Quang tại Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc thậm chí nói rõ giờ đây Mỹ nên là “trọng tâm” của các nỗ lực toàn cầu để truy vết nguồn gốc virus gây ra COVID-19. Trước đó, Ðại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cũng bày tỏ mong muốn WHO mở cuộc điều tra nguồn gốc SARS-CoV-2 ở xứ cờ hoa.

Trong nhiều tháng qua, Bắc Kinh được cho là thúc đẩy nhiều giả thuyết về nguồn gốc của dịch bệnh. Một trong số đó là việc nhà dịch tễ học Tăng Quang cho rằng virus có thể bắt nguồn từ Fort Detrick, phòng thí nghiệm nghiên cứu y sinh của quân đội Mỹ ở bang Maryland. Nhưng không có bằng chứng củng cố giả thuyết này. Trung Quốc còn lập luận rằng COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện tại Vũ Hán nhưng chưa chắc là nơi khởi nguồn của virus.

Theo Kênh CNN, sự nghi ngờ đổ dồn vào phòng thí nghiệm ở Vũ Hán và các cáo buộc Trung Quốc che giấu dịch ở giai đoạn đầu bùng phát dường như đã khiến cơ quan tuyên truyền của nước này tung ra giả thuyết về phòng thí nghiệm Fort Detrick. Và khi sự chú ý hướng vào cuộc điều tra của WHO ở Vũ Hán hồi đầu năm nay, giả thuyết trên được truyền thông Trung Quốc và những nhân vật có tầm ảnh hưởng lan truyền mạnh hơn.

Hồi tháng rồi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đề nghị Mỹ “mở cửa phòng thí nghiệm sinh học ở Fort Detrick, minh bạch hơn trong các vấn đề liên quan tới hơn 200 phòng thí nghiệm sinh học ở nước ngoài và mời nhóm chuyên gia WHO điều tra nguồn gốc dịch bệnh”. Một đoạn video được Kênh Beijing News đăng tải đã thu hút 1 triệu lượt xem trên Weibo. Hàng loạt những nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội Trung Quốc sau đó đăng tải lại đoạn video. Ðến nay, lượt xem của đoạn video đã là 74 triệu.

Vũ Hán là nơi ghi nhận ca bệnh COVID-19 đầu tiên cuối năm 2019, trước khi mầm bệnh lây lan ra toàn cầu làm hơn 110 triệu người nhiễm và gần 2,5 triệu người chết hiện nay. Trước đây, cũng từng xuất hiện các giả thuyết về việc virus có thể đã “xổng chuồng” từ một phòng thí nghiệm tại Viện Virus học Vũ Hán và chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump “nhiệt tình” đẩy mạnh giả thuyết này dù Trung Quốc cực lực bác bỏ.

Washington muốn Bắc Kinh chia sẻ thông tin

Bất kể kết quả điều tra của WHO về COVID-19 ở Vũ Hán, giới chức phương Tây cho biết Mỹ vẫn không loại trừ khả năng một sự cố trong phòng thí nghiệm làm “xổng” virus bởi Trung Quốc không minh bạch. Tuy nhiên, Washington cũng không đưa ra bằng chứng củng cố lập luận của mình.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng giả thuyết về virus có nguồn gốc từ Viện Virus học Vũ Hán vẫn chưa bị bác bỏ. “Sau khi thảo luận với nhóm chuyên gia quốc tế đến Vũ Hán tìm hiểu nguồn gốc COVID-19, tôi muốn xác nhận rằng tất cả giả thuyết vẫn còn bỏ ngỏ và cần phân tích, nghiên cứu thêm”, ông Tedros bình luận. Phát biểu được đưa ra sau khi Peter Ben Embarek thuộc nhóm chuyên gia quốc tế nói tại cuộc họp báo rằng giả thuyết SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán là “cực kỳ khó xảy ra”.

Liên quan đến cuộc điều tra, tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin tiết lộ các chuyên gia quốc tế nói Bắc Kinh từ chối cung cấp dữ liệu thô cho WHO về các trường hợp đầu tiên mắc COVID-19. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan sau đó đã đề nghị Trung Quốc cung cấp dữ liệu từ ngày đầu tiên đại dịch bùng phát.

Mỹ sẽ giữ nguyên các mức thuế áp với hàng hóa Trung Quốc

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 18-2 cho biết hiện tại Mỹ sẽ giữ nguyên mức các thuế áp với hàng hóa Trung Quốc do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump quy định, nhưng sẽ đánh giá cách thức thực hiện sau khi xem xét kỹ lưỡng. Tháng trước, Nhà Trắng cho biết sẽ đánh giá lại tất cả các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia mà ông Trump đưa ra, bao gồm cả thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” với Trung Quốc. Thỏa thuận này đã giúp xoa dịu căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo thỏa thuận được ký vào tháng 1-2020, Trung Quốc cam kết chi 200 tỉ USD để mua bổ sung hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ trong vòng 2 năm.

 Mới đây, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng thông báo sẽ xem xét cùng các đồng minh áp đặt “thêm các hạn chế nhắm vào những mục tiêu mới” trong hoạt động xuất khẩu công nghệ nhạy cảm với Trung Quốc.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết