23/06/2010 - 08:45

Trung Quốc mất thế đứng tại Kyrgyzstan ?

Trước khi xảy ra khủng hoảng, có khoảng 30.000 người Trung Quốc tại Kyrgyzstan.
Ảnh: Xinhua
 

Là quốc gia có đường biên giới dài nhất hành tinh (khoảng 22.000 km) giáp với 14 nước nên Trung Quốc rất “nhạy cảm” trước những biến động ở các quốc gia láng giềng có quan hệ hữu hảo như CHDCND Triều Tiên, Myanmar, Pakistan, Afghanistan và mới đây là Kyrgyzstan.

Hãng tin Mỹ AP nhận định cuộc khủng hoảng chính trị, an ninh và nhân đạo tại Kyrgyzstan đang đe dọa ảnh hưởng và lợi ích của Bắc Kinh, nhất là trên lĩnh vực đầu tư - thương mại. Tình hình bất ổn khiến chính quyền Trung Quốc phải sử dụng máy bay đưa 1.299 công dân của mình bị mắt kẹt trong các vùng xung đột ở miền Nam Kyrgyzstan về nước. Đây là cuộc sơ tán công dân ở hải ngoại lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Trong khi đó, tại cửa khẩu Yi’erkeshitan, các hoạt động vận chuyển hàng hóa từ khu vực Tân Cương qua Kyrgyzstan hoàn toàn bị ngưng trệ. Trước khi nổ ra cuộc xung đột tại nước này, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải chở đủ loại sản phẩm như điện tử, linh kiện xe hơi, đồ gia dụng, may mặc, trái cây từ Trung Quốc sang. Kim ngạch thương mại giữa hai nước có chung đường biên giới dài 1.100 km này đã tăng vọt lên 9,3 tỉ USD năm 2008 từ mức chỉ có vài trăm triệu USD cách đây một thập niên. Các doanh nghiệp Trung Quốc hiện có hơn 300 dự án đầu tư tại Kyrgyzstan.

Việc cạnh tranh gây ảnh hưởng ở Kyrgyzstan và rộng hơn là Trung Á giữa Trung Quốc, Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu... được gọi là “Cuộc chơi lớn” trong thế kỷ 21, như từng diễn ra giữa Nga và Anh cách đây trên 100 năm. Tuy nhiên, trong cuộc chơi này, Bắc Kinh đang ở thế yếu vì không có sự hiện diện quân sự và khả năng can thiệp chính trị như Mát-xcơ-va và Washington. Mặt khác, dù Trung Quốc cung cấp phần lớn hàng hóa nhập khẩu phi năng lượng cho Kyrgyzstan, nhưng Nga mới là nhà viện trợ các sản phẩm chủ lực cho nước này. Hàng viện trợ trị giá 732.000 USD gồm thuốc men, trang thiết bị y tế, thực phẩm, nước uống, chăn mền, lều trại của Trung Quốc cho những người tị nạn ở Kyrgyzstan cũng không thể sánh với Nga. Do vậy, nếu Nga và Mỹ bắt tay chia sẻ lợi ích trong tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng tại Kyrgyzstan thì quyền lợi của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Thế nhưng, sự suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc tại Kyrgyzstan có lẽ chỉ là tạm thời. Hơn nữa, theo Tân Hoa Xã, thế đứng của Bắc Kinh ở Trung Á nói chung đang bắt đầu tăng lên. Trung tuần tháng 6 rồi, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã đi thăm Kazakhstan ký thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt và hợp tác phát triển năng lượng hạt nhân, đồng thời sang Uzbekistan ký hợp đồng mua quặng uranium và khí đốt. Cuối năm ngoái, Bắc Kinh cũng đã khánh thành đường ống dẫn khí đốt dài 1.800 km có khả năng vận chuyển 40 tỉ mét khối/năm đi từ Turkmenistan qua Uzbekistan và Kazakhstan đến Trung Quốc. Trung Quốc mới đây cũng quyết định viện trợ cho Uzbekistan lượng hàng nhu yếu phẩm trị giá 440.000 USD để nước này phân phát cho những người chạy nạn từ Kyrgyzstan sang.

PHÚC KIẾN (Theo AP, Le Figago và Xinhua)

Trước khi xảy ra khủng hoảng, có khoảng 30.000 người Trung Quốc tại Kyrgyzstan. Ảnh: Xinhua 

Chia sẻ bài viết