23/12/2018 - 07:07

Trung Quốc "lôi kéo" nhân tài công nghệ nước ngoài 

Thời báo Epoch cho biết Trung Quốc hiện thiếu tới 400.000 kỹ sư chỉ riêng cho tham vọng sản xuất chip. Để lấp đầy khoảng trống này một cách nhanh chóng, Bắc Kinh đang nỗ lực thu hút nhân tài nước ngoài bằng mức lương ‘’béo bở’’.


Nhân tài của Samsung hiện đang là mục tiêu của các công ty Trung Quốc. Ảnh: AP

Cho đến nay, Trung Quốc đã thu hút hơn 1.000 nhân tài từ Hàn Quốc. Thời báo Kinh tế dẫn lời một số quan chức chính phủ cho hay, các công ty Trung Quốc hiện đang nhắm đến 2 nhóm nhân tài, gồm các nhân viên cấp cao ở độ tuổi 40-50 có kiến thức chuyên sâu về quy trình sản xuất hiện tại của công ty họ và các tài năng rất trẻ vừa tốt nghiệp đại học.

Ông Kim, một quản lý cấp cao nghỉ hưu của hãng điện tử Samsung (Hàn Quốc), là một trong số đó. Kim từng là giám đốc đảm trách công tác thiết kế chip điện tử tại công ty đa quốc gia này. Nhưng ngay trước khi đảm nhận vị trí cấp cao tại công ty Trung Quốc, Kim đã nhận được thông báo từ tòa án ở Hàn Quốc rằng Samsung đã đệ đơn kiện do ông không tuân thủ điều khoản “không cạnh tranh” trong hợp đồng.

Đối với các quản lý cấp cao dày dặn kinh nghiệm như ông Kim, mức lương ở Trung Quốc có thể cao gấp 8 lần so với mức lương họ nhận được ở Hàn Quốc. Một câu hỏi được đặt ra là vì sao vụ kiện của ông Kim thu hút dư luận Hàn Quốc và câu trả lời là bởi bán dẫn là lĩnh vực duy nhất nước này “vượt mặt” Trung Quốc, giữa lúc giới chuyên gia lo ngại lợi thế cạnh tranh của Hàn Quốc có thể bị xói mòn sau khi ngành công nghiệp điện thoại di động, tivi, đóng tàu và ôtô lần lượt bị Trung Quốc qua mặt.

Không chỉ ở Hàn Quốc, Trung Quốc còn tìm kiếm nhân tài Mỹ, buộc Washington đưa ra các biện pháp ngăn chặn. Chính phủ xứ cờ hoa mới đây đã liệt Fujian Jinhua, công ty bán dẫn của Trung Quốc, vào danh sách đen quản lý xuất khẩu, đồng thời kiện công ty này ăn cắp công nghệ từ nhà sản xuất chip Micron. Trước đó, Fujian Jinhua bị tố “dụ dỗ” 2 nhân viên của Micron bằng mức lương cao hơn với điều kiện là họ phải mang theo công nghệ xử lý mà họ đang đảm trách.

Động thái trên được xem là một phần của “Kế hoạch ngàn nhân tài”, chương trình do Bắc Kinh thiết lập cách đây 10 năm mà theo đó Trung Quốc muốn tuyển dụng các chuyên gia khoa học và kỹ thuật hàng đầu từ nước ngoài nhằm giúp nước này đi đầu thế giới trong các lĩnh vực quan trọng, khiến Mỹ lo ngại xảy ra tình trạng đánh cắp công nghệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc.

Là nhà sản xuất điện thoại thông minh và máy tính lớn nhất thế giới, chiếm tới 60% nhu cầu bán dẫn toàn cầu, Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào các loại chip nhập khẩu giá cao, chủ yếu từ Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan, bởi chưa tới 15% chip được sản xuất nội địa. Với kế hoạch “Made in China 2025”, Trung Quốc đặt mục tiêu nâng công suất sản xuất chip tại địa phương lên 50% trong vòng 6 năm tới, tạo ra ngành công nghiệp bán dẫn đẳng cấp thế giới. Công ty Tư vấn Quản lý H & L (Đài Loan) cho biết, Trung Quốc kể từ năm 2014 đã đổ hơn 22 tỉ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn của mình với mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào chip ngoại. Dự kiến, hàng trăm tỉ USD nữa sẽ được đầu tư vào lĩnh vực này trong thập kỷ tới.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Trung Quốc