16/01/2018 - 16:36

Trung Quốc không chỉ có “ngoại giao gấu trúc” 

Nhân chuyến thăm Trung Quốc hồi tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tặng Chủ tịch Tập Cận Bình một chú ngựa trong đội Kỵ binh quốc gia mang tên Vesuvius. Dẫn tuyên bố từ Văn phòng Tổng thống Pháp, hãng tin Reuters cho biết con ngựa quý hiếm này được xem là “cử chỉ ngoại giao chưa từng có” nhằm khẳng định quyết tâm của ông Macron đưa quan hệ đối tác Trung Quốc-châu Âu bước vào thế kỷ 21. Chú tuấn mã này cũng nhằm đáp lại “ngoại giao gấu trúc” của Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh cho Paris mượn trong một cử chỉ thể hiện tình hữu nghị. Kết quả là sau đó một chú gấu trúc con đã chào đời tại vườn thú của ngoại ô Thủ đô Paris và phu nhân Macron Brigitte trở thành mẹ đỡ đầu của chú gấu trúc con này. 

Gấu trúc từng đứng đầu danh sách quà tặng động vật của Trung Quốc.   Ảnh: NY Daily  

Trên thực tế, văn hóa “ngoại giao động vật” (tức việc mang tặng động vật quý hiếm giữa các nhà lãnh đạo quốc gia) không còn là chuyện lạ tại Trung Quốc. Bởi trong nhiều năm qua, Bắc Kinh từng tiếp nhận lẫn trao tặng một số động vật quý hiếm với mục đích xây dựng các mối quan hệ quốc tế tốt đẹp, cũng như mở rộng quyền lực và ảnh hưởng ra nước ngoài. 

Trong số đó, gấu trúc – loài vật được xem là “quốc bảo” của Trung Quốc - đứng đầu trong danh sách các động vật thường được sử dụng trong hoạt động “ngoại giao động vật” của Bắc Kinh. Được biết, gấu trúc lần đầu tiên được mang làm quà tặng là vào thế kỷ thứ 7 dưới thời nhà Đường (618-907), khi hoàng hậu Võ Tắc Thiên tặng cho triều đình Nhật Bản 2 con gấu trúc. Còn từ những năm 1950 đến 1982, Trung Quốc đã tặng 23 con gấu trúc cho 9 quốc gia nhằm thắt chặt quan hệ ngoại giao. Nhưng từ năm 1982, Bắc Kinh không dùng gấu trúc làm quà tặng nữa mà  chỉ cho các nước mượn. Động thái “ngoại giao gấu trúc” gần đây nhất là hồi tháng 9-2017, khi Trung Quốc trao cho Indonesia 1 cặp gấu trúc để kỷ niệm 60 năm quan hệ song phương. Hiện gấu trúc Trung Quốc có mặt tại vườn thú ở 15 quốc gia với hình thức “cho  mượn” theo thời hạn 10 năm.

Ngoài gấu trúc, Trung Quốc cũng gửi tặng một số loài vật quý hiếm khác - bao gồm cọp và cò quăm mào Nhật Bản. Hồi năm 2005, nước này tặng 2 con cọp Siberia cho Hàn Quốc như là biểu tượng cho tình hữu nghị giữa hai bên. Còn trong giai đoạn 1998-2007, Bắc Kinh tặng lại cho Tokyo 5 con cò quăm mào Nhật Bản, loài vật vốn đã tuyệt chủng tại xứ sở Phù Tang.

Còn ở chiều ngược lại, văn hóa “ngoại giao gấu trúc” của Trung Quốc cũng thúc đẩy nhiều nước đáp lại cử chỉ hữu nghị này bằng việc mang tặng những động vật quý hiếm của đất nước họ. Chẳng hạn như việc cựu Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe hồi năm 2015 tặng cho Trung Quốc 2 con sư tử nhân dịp kỷ niệm 35 năm quan hệ song phương. Seychelles tặng Trung Quốc 2 con rùa dòng Aldabra khổng lồ để kỷ niệm 60 năm quan hệ hai nước. Trong khi đó, voi vẫn đứng đầu danh sách các món quà động vật mà Trung Quốc nhận được từ các nước Nam Á. Đơn cử, Sri Lanka từng tặng voi châu Á cho nước này vào các năm 1972, 1979 và 2007 để thúc đẩy quan hệ ngoại giao.

ĐÔNG PHONG (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết