11/04/2019 - 18:59

Trung Quốc dựng “cầu nối” tiến gần EU 

Bất chấp nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đối phó ảnh hưởng kinh tế-chính trị của Trung Quốc đang lớn dần trên khắp cựu lục địa, giới quan sát cho biết Bắc Kinh tiếp tục được các nước “khát đầu tư” ở Trung và Đông Âu chào đón.

Hôm 11-4, hội nghị thượng đỉnh lần thứ 8 giữa Trung Quốc và nhóm 16 nước Trung - Đông Âu (CEEC) khai mạc tại Croatia. Trong số này có 11 quốc gia thành viên EU (Ba Lan, Romania, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Slovakia và Slovenia) và 5 nước vùng Tây Balkan (Albania, Bosnia, Macedonia, Montenegro, Serbia) vốn nuôi ý định gia nhập liên minh. Sự kiện diễn ra tại thành phố Dubrovnik nằm trong khuôn khổ sáng kiến 16+1, tập trung mở rộng lĩnh vực kinh doanh và các dự án liên kết giữa Trung Quốc với khu vực mà Bắc Kinh xác định là “cửa ngõ” giúp họ thâm nhập thị trường châu Âu.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic trong cuộc gặp hôm 10-4. Ảnh: gov.cn

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic trong cuộc gặp hôm 10-4. Ảnh: gov.cn

Được tung ra vào năm 2012, mục tiêu của chiến lược nói trên là bổ trợ cho sáng kiến “Vành đai, Con đường” đầy tham vọng của Bắc Kinh. Với cam kết rót hàng tỉ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở Trung-Đông Âu, giới phân tích cho biết Trung Quốc đã và đang lập nền móng cho mặt trận mới nhằm gia tăng sức ảnh hưởng ở “phần rìa” EU. Theo số liệu của Ủy ban châu Âu, EU từng chiếm hơn 70% tổng vốn đầu tư trực tiếp vào vùng Tây Balkan so với tỷ lệ 1% đóng góp của Trung Quốc. Nhưng 6 năm qua, đầu tư của Bắc Kinh ở những nước như Serbia, Bosnia, Montenegro, Bắc Macedonia, Albania và Kosovo bắt đầu tăng vọt, thậm chí cạnh tranh với nguồn tài trợ từ liên minh.

Từ góc độ của Trung Quốc, giới quan sát cho rằng Bắc Kinh hy vọng khuôn khổ hợp tác 16+1 sẽ đưa họ đến gần Brussels, thổi sức sống mới vào quan hệ đối tác Trung Quốc-EU. Tầm nhìn này được phản ánh ngay trong chủ đề hội nghị thượng đỉnh ở Croatia: “Xây dựng cầu nối cho sự cởi mở, đổi mới và quan hệ đối tác”. Nhưng thực tế, hợp tác giữa cường quốc châu Á với nhóm các quốc gia kể trên đang khiến một số thành viên chủ chốt của khối 28 quốc gia trở nên “bất an” khi những điều khoản mà Bắc Kinh đem vào châu Âu hoàn toàn khác với nguyên tắc thông thường tại EU. Đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng hai bên chưa hạ nhiệt, ảnh hưởng của Trung Quốc trên mặt trận kinh tế-chính trị có dấu hiệu lan rộng ở những quốc gia mà giấc mơ gia nhập EU của họ ngày càng khó thành hiện thực.

Với những đề nghị hấp dẫn về tài chính, dễ dàng tiếp cận nhiều dự án thương mại và đầu tư, sự hiện diện của Trung Quốc đang được hầu hết quốc gia Trung và Đông Âu hoan nghênh. Trong khi đó, lãnh đạo các cường quốc phương Tây lo ngại hợp tác giữa một số nước thành viên hoặc những nước đang tìm cách gia nhập EU sẽ hạ thấp các giá trị kinh doanh, tiêu chuẩn môi trường so với những quốc gia còn lại trong khối. Ngoài ra, việc bỏ qua các quy tắc cạnh tranh của EU, tiềm năng vay nợ quá mức, chất lượng đáng lo ngại của các công trình và bảo mật trong công nghệ mạng di động 5G do Trung Quốc cung cấp tiếp tục khiến liên minh đau đầu.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết