07/01/2019 - 08:01

Trung Quốc đối mặt “khủng hoảng nhân khẩu học” 

Số trẻ em sinh ra ở Trung Quốc trong năm 2018 giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2000, báo hiệu một cuộc ‘’khủng hoảng nhân khẩu học” đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế của nước này.

Y tá chăm sóc trẻ tại một bệnh viện ở Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Theo Thời báo Hoàn Cầu, số trẻ sinh ra ở Trung Quốc năm 2018 chưa tới 15 triệu, thấp hơn 2 triệu so với năm 2017. Tại Sơn Đông, một trong những tỉnh đông dân nhất, chỉ có 64.753 trẻ được sinh ra ở thành phố Liêu Thành trong 11 tháng đầu năm 2018, giảm 26% so với cùng kỳ. 

Yi Fuxian, nhà nghiên cứu tại Đại học Wisconsin-Madison (Mỹ) và Su Jian, kinh tế gia tại Đại học Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc đã bắt đầu chứng kiến sự sụt giảm dân số kéo dài. “Năm 2018 sẽ được nhớ đến như là một bước ngoặt lịch sử đối với dân số Trung Quốc. Dân số Trung Quốc bắt đầu suy giảm, các vấn đề lão hóa tăng nhanh trong khi sức mạnh kinh tế suy yếu” - hai chuyên gia này nhận định.

Còn Hua Changchun, nhà kinh tế học thuộc công ty chứng khoán Guotai Junan, trong một nghiên cứu ước tính rằng số trẻ được sinh ra trên khắp Trung Quốc mỗi năm có thể chưa tới 14 triệu nếu tỷ lệ sinh giảm 20% như tại một số địa phương của tỉnh Sơn Đông. Ông này cho rằng tỷ lệ sinh thấp như vậy có thể tác động sâu rộng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc. 

Sau khi bãi bỏ chính sách một con để chuyển sang chính sách hai con trong năm 2016, tỷ lệ sinh tại Trung Quốc được cho sẽ tăng cao. Số trẻ được sinh ra trong năm 2016 đã tăng lên 17,86 triệu so với con số 16,55 triệu năm 2015. Tuy nhiên, sau nhiều thập niên bùng nổ kinh tế và kiểm soát sinh đẻ nghiêm ngặt, người dân tỏ ra lưỡng lự hơn trong việc sinh thêm con. Tỷ lệ tăng trưởng dân số của Trung Quốc hiện ở mức thấp 0,59%, đứng thứ 159  trên thế giới. Kết quả là, số trẻ được sinh ra trong năm 2017 giảm xuống còn 17,23 triệu. Do đó, Ren Zeping, chuyên gia kinh tế tại tập đoàn bất động sản Evergrande, mới đây nhận định Trung Quốc đang bước vào giai đoạn “khủng hoảng nhân khẩu học” trong bối cảnh chính sách hai con thất bại trong việc làm tăng tỷ lệ sinh. Ông Ren qua đó kêu gọi Trung Quốc lập tức dỡ bỏ mọi biện pháp kiểm soát sinh đẻ và khuyến khích người dân sinh con.

Nếu tình hình trên tiếp tục diễn ra, Trung Quốc có thể bị Ấn Độ “vượt mặt” trong vòng 3-5 năm tới. Một thống kê cho thấy, dân số Ấn Độ đã tăng thêm khoảng 14 triệu người trong 8 tháng đầu năm 2018, so với 4,1 triệu của Trung Quốc. Còn theo số liệu từ Liên Hiệp Quốc, tính đến ngày 6-1-2019, dân số Ấn Độ đạt mức 1,361 tỉ người, kém hơn không nhiều so với 1,417 tỉ người của Trung Quốc.

Trong nỗ lực nhằm cải thiện tỷ lệ sinh, Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc đang có kế hoạch “tập trung vào vấn đề chăm sóc thai sản và cải thiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe gia đình”. Tuy nhiên, thúc đẩy tăng tỷ lệ sinh là một nhiệm vụ khó khăn bởi số phụ nữ Trung Quốc trong độ tuổi 20-39 được dự báo sẽ giảm hơn 39 triệu người trong thập niên tới.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết