01/04/2022 - 08:19

Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội 

MAI QUYÊN

Trung Quốc đang sử dụng hệ sinh thái mạng xã hội của thế giới, đặc biệt là những nền tảng phổ biến do Mỹ phát triển, để mở rộng đáng kể quyền lực trên toàn cầu.

Nếu “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga nhắm vào Ukraine bị phương Tây lên án như “cuộc tấn công trắng trợn vào nền dân chủ”, tài khoản YouTube Trung Quốc Li Jingjing (ảnh) lại kể theo hướng khác. Người này chế nhạo các nhà báo Mỹ đưa tin về cuộc chiến, chỉ trích Ukraine cũng như lên án Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) mới là bên kích động cuộc khủng hoảng hiện nay. Ðáng chú ý, Li chỉ tự mô tả mình như một “du khách” hay “người kể chuyện” trên kênh YouTube có 21.000 người đăng ký, thay vì một thân phận khác nữa là phóng viên Ðài truyền hình trung ương Trung Quốc. Hay như tài khoản Vica Li có 1,4 triệu người theo dõi trên TikTok, YouTube, Instagram và Facebook. Tự xưng là người yêu ẩm thực, blogger du lịch kể về cuộc sống ở Trung Quốc, tài khoản Vica Li khẳng định bản thân tự tạo tất cả các kênh nói trên nhưng điều tra của Hãng tin AP cho biết chỉ riêng tài khoản Facebook của Vica Li đã có ít nhất 9 người quản lý.

Những tiết lộ này là một phần của thực tế phản ánh ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các mạng xã hội Mỹ. Hầu hết tài khoản có ảnh hưởng đều sử dụng chiêu trò tương tự Li Jingjing để kéo khán giả khắp thế giới. Người xem thường bị thu hút bởi cảnh đẹp và video được đăng tải về cuộc sống ở Trung Quốc. Nhưng họ có thể không biết xen kẽ trong đó là những bài đăng rõ ràng vì mục đích tuyên truyền. Ðây là một mục tiêu quan trọng của Trung Quốc, quốc gia âm thầm xây dựng mạng lưới các nhân vật có ảnh hưởng hay dẫn dắt dư luận (KOLs) trên mạng xã hội, đóng vai trò như nhóm yểm trợ những nỗ lực xây dựng hình ảnh Trung Quốc ở nước ngoài.

Hãng nghiên cứu Miburo cho biết có ít nhất 200 KOLs có liên hệ với Chính phủ Trung Quốc hoặc phương tiện truyền thông nhà nước và đang hoạt động bằng 38 ngôn ngữ khác nhau. Thông qua các bài đăng được hàng trăm ngàn lượt xem, thích và chia sẻ, KOLs góp phần mở rộng công tác tuyên truyền các giá trị Trung Hoa và sự ủng hộ đối với quan điểm của chính phủ về nhiều vấn đề thế giới, quan trọng hơn là làm chệch hướng quan tâm của quốc tế đối với một số hành vi bị chỉ trích của Bắc Kinh.

Trung Quốc còn thuê công ty tuyển dụng KOLs sử dụng ngôn ngữ được trau chuốt để giúp nâng cao hình ảnh nước này tới người dùng mạng xã hội quốc tế. Ðiển hình như hồi tháng 12-2021, lãnh sự quán Trung Quốc tại New York đã trả 300.000 USD cho công ty Vippi Media trụ sở ở bang New Jersey để thuê những người có ảnh hưởng quảng bá thông điệp tích cực về Trung Quốc và Thế vận hội Bắc Kinh trên TikTok và Instagram.

Với quy trình đầu tư cẩn thận, mạng lưới KOLs cho phép Trung Quốc dễ dàng truyền tải thông điệp mong muốn tới người dùng các mạng xã hội lớn như Instagram, Facebook, TikTok hay YouTube. Theo cựu đặc vụ Cục Ðiều tra Liên bang Mỹ (FBI) Clint Watts, thời gian tiếp cận đủ lâu với những câu chuyện giống nhau, mọi người sẽ dần có xu hướng tin vào điều họ được nghe. Và đây là cách Trung Quốc đang cố xâm nhập vào từng quốc gia bằng lượng thông tin khổng lồ.l                

Không riêng Trung Quốc, AP cho biết chính phủ nhiều nước từ lâu đã cố gắng khai thác mạng xã hội để gây ảnh hưởng đến người dùng. Ðơn cử như cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, một đơn vị trực tuyến của Nga được cho đã trả tiền để chạy hơn 3.000 quảng cáo chính trị nhắm mục tiêu đến người Mỹ. Ðể đối phó công tác tuyên truyền của nước ngoài, các hãng công nghệ Mỹ như Facebook và Twitter bắt đầu siết chặt quy định, bao gồm xác định những tài khoản do nhà nước hậu thuẫn.

Chia sẻ bài viết