27/01/2019 - 17:46

Trung Quốc đào tạo chuyên gia dẫn dắt dư luận 

Nằm dưới tầng hầm một trung tâm thương mại ở Quảng Châu, một thành phố đang phát triển mạnh ở miền Nam Trung Quốc, mạng lưới đa kênh Hifan đang đào tạo những người nổi tiếng chuyên livestream.

Tuy hoạt động chỉ mới vài năm nhưng Hifan đã là một trong 5 công ty đa phương tiện hàng đầu Quảng Châu. Với đội ngũ nhân viên chỉ 40 người, Hifan đã đào tạo ra khoảng 100 người livestream nổi tiếng hay còn gọi là các chuyên gia dẫn dắt dư luận (KOL), đáp ứng nhu cầu thị trường livestream thương mại giải trí – sự kết hợp giữa giải trí và thương mại điện tử - của Trung Quốc.

Một KOL của Hifan. Ảnh: SCMP

Được xem là một công cụ thương mại điện tử, công ty tư vấn Deloitte ước tính doanh thu của thị trường livestream Trung Quốc đạt 4,4 tỉ USD hồi năm ngoái, tăng 32% so với năm 2017. Nội dung của các cuộc livestream thường là ca hát, nhảy múa, buôn bán các mặt hàng cho đến chi tiết về cuộc sống hàng ngày của các KOL. Kể từ khi bùng nổ vào năm 2016, hình thức mua sắm trực tuyến này đã mở ra một kênh mới cho phép người dùng Internet tiếp cận lối sống tiêu dùng tức thời “tôi thấy, tôi thích và tôi mua”.

Tiger Ai, Giám đốc điều hành của Hifan, cho biết công ty của ông thu về khoảng 30 triệu nhân dân tệ (4,4 triệu USD) trong năm 2017 bằng cách sử dụng các KOL của riêng mình để bán hàng, chủ yếu là hàng thời trang và mỹ phẩm. Tại Hifan, các KOL thường làm ca 8 tiếng, livestream từ lúc 4 chiều hoặc 9 giờ tối cho tới tận khuya, thời điểm người mua hàng trực tuyến hoạt động mạnh nhất.

 Hifan có tới 12 phòng livestream, bán nhiều mặt hàng khác nhau. Trong đó, một số phòng trông giống như căn hộ hay phòng khách, một số phòng được trang bị bộ bàn trang điểm, hoặc được trang trí như một quầy rượu hạng sang. “Trông hấp dẫn như vậy nhưng đây lại là một công việc rất cực, nó rút hết nguồn năng lượng của bạn. Độ tuổi tốt nhất dành cho sự nghiệp của các KOL là đôi mươi. Sự nghiệp của họ chỉ tồn tại trong vài năm và sau đó phải nhường cho người khác. Trong những năm huy hoàng, họ phải tích lũy càng nhiều càng tốt nhằm tận dụng thành công của mình để chuyển sang một lĩnh vực khác” – ông Ai tiết lộ.

Theo ông Ai, sự thành công của một KOL dựa trên tính cách của họ và sự nghiệp của họ phụ thuộc vào khả năng tạo ra một lượng người theo dõi trung thành, nghĩa là KOL cần tạo ra và duy trì kết nối với những người theo dõi họ. KOL không cần có kỹ năng trở thành diễn viên hay ca sĩ chuyên nghiệp. Họ chỉ cần vui vẻ trong công việc, trò chuyện với người hâm mộ hoặc thậm chí hát karaoke với khán giả. Song, đó là một công việc khó khăn và đầy cạnh tranh. Trong bối cảnh “biên giới” giữa thương mại điện tử, phương tiện truyền thông xã hội và giải trí ngày càng không rõ nét, ông Ai tin rằng mua bán bằng livestream ở Trung Quốc sẽ phát triển thành một kênh bán lẻ chính thống.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Công, KOL ở Trung Quốc được chia làm 2 loại, gồm những người tập trung livestream bán hàng và những người chuyên livestream về giải trí. Trong khi KOL bán sản phẩm kiếm được hoa hồng 20-30% cho mỗi mặt hàng họ bán được, KOL livestream về giải trí kiếm tiền từ những món quà ảo từ người hâm mộ, vốn có thể đổi thành tiền mặt. Hầu hết các KOL bỏ túi từ 20.000 - 40.000 nhân dân tệ/tháng. 

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết