20/05/2022 - 09:42

Trung Quốc “chi phối” bầu cử Úc 

Cuối tuần này, cử tri Úc sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra Quốc hội nhiệm kỳ 3 năm trong bối cảnh phí sinh hoạt tăng cao ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người dân, cũng như những tranh luận xung quanh quan hệ với Trung Quốc.

Các nhân viên hỗ trợ cử tri tại trung tâm bỏ phiếu sớm ở Sydney ngày 17-5. Ảnh: Reuters

Các nhân viên hỗ trợ cử tri tại trung tâm bỏ phiếu sớm ở Sydney ngày 17-5. Ảnh: Reuters

Mặc dù 21-5 mới là ngày bầu cử chính thức, nhưng tính đến tối 18-5, có gần 6 triệu trong tổng số 17 triệu cử tri Úc đăng ký bỏ phiếu qua bưu điện hoặc đi bỏ phiếu sớm tại một số địa điểm. Theo quy định, đảng nào giành được ít nhất 76 ghế trong 151 ghế Hạ viện sẽ được quyền lập chính phủ mới và lãnh đạo đảng đó cũng trở thành Thủ tướng Úc tiếp theo.

Theo các cuộc thăm dò, liên đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền đang thu hẹp khoảng cách với Công đảng đối lập. Nhưng dù kết quả thế nào, chính phủ tiếp theo của Úc cũng phải tìm ra cách giải quyết dự luật chi tiêu quốc gia, cân bằng chính sách tài khóa song song với biện pháp chống lại cú sốc lạm phát khi chi phí sinh hoạt đang là vấn đề được cử tri quan tâm nhất hiện nay. Ngoài ra, nhà lãnh đạo mới cũng cần có kế hoạch chi tiết ngăn chặn các thảm họa khí hậu như cháy rừng và lũ lụt; bảo đảm bình đẳng giới và xử lý hành vi sai trái trong quốc hội.

Về đối ngoại, có vẻ rất ít khác biệt giữa hai chính đảng lớn ở Úc về mối quan hệ giữa Canberra và đồng minh phương Tây. Đơn cử như việc 2 bên đều ủng hộ lời kêu gọi tăng ngân sách quốc phòng, hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ và những quốc gia cùng chí hướng khác thông qua nhóm “Bộ tứ” (Mỹ, Úc, Nhật, Ấn Độ) hoặc hiệp ước an ninh 3 bên mới AUKUS (Úc, Mỹ và Anh). Riêng chính sách với Trung Quốc, dù liên đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền hay Công đảng giành chiến thắng cũng được dự báo sẽ đối mặt vấn đề nan giải là hóa giải mối quan hệ ngày càng xấu đi với đối tác thương mại lớn nhất. Theo các nhà phân tích, đây là thách thức khó khăn - đặc biệt sau chiến dịch tranh cử gay gắt mà những ý định của Bắc Kinh trở thành đề tài tranh luận nóng bỏng.

Làm sáng tỏ các mối quan hệ

Trước khi chiến dịch bầu cử liên bang Úc bắt đầu, nhiều cáo buộc đã được đưa ra rằng Trung Quốc muốn Công đảng giành chiến thắng. Truyền thông Úc những ngày qua cũng lật lại một số tuyên bố về Trung Quốc của nghị sĩ Công đảng có nhiều ảnh hưởng Richard Marles, rằng Canberra không nên lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như can dự vấn đề Biển Đông. Trước đó, chính trị gia này còn nói rõ Úc không cần can thiệp vào việc các quốc đảo Thái Bình Dương tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton cũng gây chú ý khi tuyên bố có bằng chứng cho thấy Trung Quốc muốn gây ảnh hưởng lên cuộc bầu cử liên bang vì chính quyền Công đảng sẽ có thiên hướng mềm mỏng với Bắc Kinh hơn. Theo ông Dutton, Canebrra phải “chuẩn bị cho chiến tranh” để gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, Công đảng đã bác bỏ thông tin trên, gọi những bình luận của ông Dutton là “thuyết âm mưu”. Phe đối lập đặc biệt đề cập đến thỏa thuận an ninh giữa Quần đảo Solomon với Bắc Kinh, coi đấy là “thất bại lớn về chính sách đối ngoại” của chính quyền Thủ tướng Scott Morrison.

Theo các nhà quan sát, Trung Quốc là chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trong bầu cử Úc, với tư cách đối tác thương mại quan trọng và cũng là đối thủ nặng ký trong khu vực khi mối quan hệ song phương trở nên tồi tệ hơn kể từ năm 2020. Trên thực tế, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Charles Edel nói rằng phản ứng cứng rắn của Úc đối với “hành động cưỡng bức” của Bắc Kinh đã tạo ra một mô hình để những nước đang chịu áp lực từ các “cường quốc xét lại” noi theo. Về tương lai sắp tới, Giám đốc Viện Quan hệ Úc - Trung Quốc James Laurenceson nhận thấy không có tín hiệu nào biểu hiện ngoại giao song phương sẽ được cải thiện nếu Thủ tướng Morrison tái đắc cử. Tuy vậy, thắng lợi của Công đảng không có nghĩa mối quan hệ Úc - Trung được “cài đặt” lại.

Kết quả thăm dò dư luận Newspoll công bố một tuần trước ngày bầu cử quốc hội liên bang Úc cho thấy Công đảng vẫn đang dẫn trước liên đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền với tỷ lệ cử tri ủng hộ là 54-46. Tuy nhiên, Thủ tướng đương nhiệm Scott Morrison, lãnh đạo đảng Tự do, tiếp tục được đánh giá cao hơn đối thủ của mình là ông Anthony Albanese, lãnh đạo Công đảng, trong vai trò thủ tướng, với tỷ lệ 43% so với 42%.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, nếu tính chung cả các đảng nhỏ và ứng viên độc lập, tỷ lệ ủng hộ của cử tri đối với Công đảng là 38%, liên đảng là 35%, các đảng nhỏ và các ứng viên độc lập là 27%, trong khi tỷ lệ cử tri còn lưỡng lự giảm xuống còn 5%. Kết quả thăm dò trên cho thấy cuộc bầu cử ngày 21-5 tới có thể là cuộc bầu cử đầu tiên trong 40 năm qua mà cả hai chính đảng lớn đều không giành được quyền thành lập chính phủ.

MAI QUYÊN (Theo CNN, CNBC)

Chia sẻ bài viết