27/08/2021 - 06:15

Trung Quốc cảnh báo châu Âu về Đài Loan 

Thông qua các biện pháp trả đũa Lithuania, Trung Quốc được cho muốn gởi thông điệp cứng rắn tới châu Âu về “hậu quả” nếu vượt qua “ranh giới đỏ” của Bắc Kinh về vùng lãnh thổ bên kia eo biển Đài Loan.

Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Czech Milos Vystrcil gặp lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn trong chuyến thăm hòn đảo này năm  ngoái bất chấp phản đối của Trung Quốc. Ảnh: AFP

Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Czech Milos Vystrcil gặp lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn trong chuyến thăm hòn đảo này năm  ngoái bất chấp phản đối của Trung Quốc. Ảnh: AFP

Đầu tháng này, Trung Quốc đã yêu cầu đại sứ Lithuania tại Bắc Kinh về nước; đồng thời triệu hồi đại sứ ở Vilnius sau quyết định của quốc gia vùng Baltic đồng ý cho Đài Loan lập văn phòng đại diện dưới tên gọi “Đài Loan” thay vì sử dụng từ “Đài Bắc”.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc yêu cầu rút đại sứ của một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vì tranh cãi liên quan Đài Loan. Tuy nhiên, Tiến sĩ Andreas Fulda tại Đại học Nottingham (Anh) cho rằng hành động “trút giận” của Bắc Kinh đều nằm trong dự đoán. Theo các nhà chuyên môn, cường quốc châu Á còn đang tính toán sử dụng “vũ khí” thương mại để gây sức ép lên chính quyền Thủ tướng Ingrida Simonyte, tương tự chiến lược mà họ thực thi với Úc sau lời kêu gọi của Canberra tiến hành cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc đại dịch COVID-19.

Nhưng Trung Quốc lần này có thể không thu được kết quả như mong đợi. Bởi so với vị thế đối tác thương mại lớn nhất của Úc, quan hệ thương mại giữa Bắc Kinh và Vilnius được coi là “không đáng kể”. “Trong trường hợp không có nhiều đòn bẩy thực sự, Trung Quốc sẽ tiếp tục tấn công nhà nước Lithuania thông qua tuyên truyền” - Tiến sĩ Fulda nói thêm. Trước đó, truyền thông Trung Quốc đã liên tiếp đăng bài chỉ trích quốc gia châu Âu là “nước nhỏ, điên rồ, dối trá và tay sai của Mỹ”. Tờ Hoàn cầu Thời báo trong một bài xã luận còn kêu gọi chính phủ cắt đứt quan hệ với Lithuania và cho rằng Bắc Kinh nên hợp tác với Nga, Belarus trừng phạt Vilnius.

Mối quan tâm của Trung Quốc

Theo giới phân tích, Bắc Kinh phản ứng gay gắt chủ yếu là muốn gởi thông điệp răn đe tới phần còn lại của EU nếu họ thúc đẩy quan hệ với Đài Loan. Động thái này mặt khác phản ánh mối lo ngại của Trung Quốc trước rủi ro những nước khác làm theo Lithuania, tạo nên “hiệu ứng dây chuyền” ở châu Âu.

Theo trang Euroactive, hiện có một số quốc gia EU không e ngại sức ép chính trị từ Trung Quốc do không bị ràng buộc quá nhiều về mặt kinh tế với Bắc Kinh. Và trong tranh cãi ngoại giao hiện nay cùng Lithuania, việc Trung Quốc sử dụng vị thế nước lớn để ép buộc chỉ càng khiến hình ảnh và uy tín của họ ở châu Âu suy giảm, làm trầm trọng thêm quan hệ vốn căng thẳng với EU. Khối này hiện cũng cân nhắc mở rộng quan hệ hợp tác với Đài Loan khi ngày càng có nhiều người, bao gồm giới chính trị gia  trong khu vực ủng hộ vùng lãnh thổ nói trên.

Đặc biệt giới chính trị gia ở các nước Đông Âu và vùng Baltic coi ủng hộ Đài Loan như cách ghi dấu ấn với cử tri thông qua chương trình đối ngoại theo chủ nghĩa tự do trước mức độ khó lường của Trung Quốc, theo Asia Times. Có người thì coi đây là chiến lược cần thiết để những quốc gia này củng cố thêm quan hệ với Mỹ trong cuộc đối đầu với Nga và Trung Quốc. Trong đó, mô hình quan hệ với Đài Loan mà Lithuania hay Cộng hòa Czech theo đuổi được cho giúp đa dạng hóa và dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Đây cũng là mục tiêu chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hướng đến.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết