07/03/2023 - 06:56

Trung Quốc bị cô lập tại Thái Bình Dương 

HẠNH NGUYÊN (Theo AP)

Một năm sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, việc Trung Quốc ủng hộ Mát-xcơ-va đã tạo cơ hội cho Mỹ và các đối tác tại Thái Bình Dương củng cố quan hệ, khiến Bắc Kinh càng bị cô lập tại khu vực này.

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tập trận phòng thủ tên lửa chung trên biển hồi tháng 2. Ảnh: CNN

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tập trận phòng thủ tên lửa chung trên biển hồi tháng 2. Ảnh: CNN

Chỉ trong vài tháng qua, Nhật Bản đã cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng và mua các vũ khí tầm xa từ Mỹ; trong khi Hàn Quốc thừa nhận sự ổn định ở eo biển Đài Loan quan trọng đối với an ninh nước này; còn Philippines thông báo cho phép Washington tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự mới theo Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng được ký kết năm 2014 và đang đàm phán về các cuộc tuần tra chung với Mỹ, Úc và Nhật Bản trên Biển Đông.

Giới phân tích đánh giá tất cả những sự kiện trên nhiều khả năng vẫn xảy ra mà không cần chiến tranh tại Ukraine, nhưng việc Trung Quốc ủng hộ Nga đã giúp các dự án này diễn ra trơn tru hơn. Như hiện nay, Nhật sắp mua 400 tên lửa hành trình Tomahawk tầm xa của Mỹ, vũ khí có khả năng vươn tới lãnh thổ Trung Quốc. “Bản thân tôi có cảm giác cấp bách rằng Ukraine có thể là Đông Á vào ngày mai”, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Đối thoại Shangri-La (Singapore) hồi hè 2022. “Người Nhật chắc chắn đang chú ý tới tình hình tại Ukraine và điều đó khiến họ cảm thấy quốc gia của mình dễ tổn thương hơn”, John Bradford, chuyên gia cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định. Nhật Bản cảm thấy họ đặc biệt dễ bị tổn thương trước Trung Quốc.

Theo Đài CNN, hiện có những lo ngại rằng một ngày nào đó Trung Quốc có thể hành xử với Đài Loan như cách Nga thực hiện với Ukraine. Các nhà lãnh đạo tại Tokyo nêu rõ hòa bình dọc eo biển Đài Loan rất cần thiết đối với an ninh Nhật Bản.

Trong môi trường hiện tại, giới lãnh đạo ở Hàn Quốc cũng đang nhìn Đài Loan qua lăng kính tương tự. “Hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan cần thiết cho hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và nó cũng cần thiết đối với an ninh và sự thịnh vượng của cả khu vực”, Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin nhấn mạnh gần đây. Seoul sợ rằng nếu Mỹ bị kéo vào bất cứ cuộc xung đột nào với Trung Quốc liên quan vấn đề Đài Loan, Hàn Quốc sẽ trở nên mong manh trong mắt Triều Tiên, quốc gia láng giềng được trang bị vũ khí hạt nhân. Điều này đã dẫn tới những lời kêu gọi Hàn Quốc phải trông cậy nhiều hơn vào khả năng tự phòng vệ, bao gồm cả việc sở hữu vũ khí hạt nhân.

Quân đội Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh và hiện đại hóa lực lượng trong nhiều năm. Báo cáo tài chính được công bố tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (tức Quốc hội Trung Quốc) khóa XIV sáng 5-3 cho thấy nước này sẽ chi 1.550 tỉ nhân dân tệ (224 tỉ USD) cho các hoạt động quân sự trong năm 2023, tăng 7,2% so với năm ngoái. 

Tại phiên khai mạc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nêu nguyên nhân dẫn tới việc nước này đặt ra nhu cầu tăng mạnh chi tiêu quốc phòng. Theo ông Lý Khắc Cường, “những nỗ lực từ bên ngoài nhằm kiềm chế Trung Quốc đang tăng”. Thực tế này khiến quân đội Trung Quốc phải dành nhiều sức lực hơn cho việc huấn luyện trong điều kiện chiến đấu và tăng cường công tác quân sự trên mọi hướng, mọi lĩnh vực.

Li Mingjiang, Phó Giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, nói rằng chi tiêu quốc phòng vượt xa dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cho thấy quốc gia đông dân nhất thế giới này lường trước sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn trong môi trường an ninh bên ngoài, đặc biệt là từ Mỹ và về vấn đề Đài Loan.

Chia sẻ bài viết