06/12/2020 - 07:38

Trừng phạt Úc, Trung Quốc muốn cảnh báo các nước khác? 

Tờ Asia Times và South China Morning Post hôm 5-12 đề có bài viết giải thích vì sao Trung Quốc tăng cường các biện pháp trừng phạt thương mại chống Úc, đẩy mối quan hệ giữa 2 nước đến mức tồi tệ chưa từng có trong vòng nửa thế kỷ qua.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Úc  Scott Morrison trong cuộc chiến không khoan nhượng. Ảnh: Reuters/EPA

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Úc  Scott Morrison trong cuộc chiến không khoan nhượng. Ảnh: Reuters/EPA

Asia Times cho rằng đòn trừng phạt thương mại liên tiếp của Bắc Kinh chống Canberra là chính sách phản tác dụng và không mang lại lợi ích kinh tế, đồng thời làm tổn hại hình ảnh của Trung Quốc không chỉ trong mắt công chúng Úc mà hầu hết các nước khác trong cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, động cơ và mục đích thật sự của Bắc Kinh có lẽ là nhằm vào các chính phủ khác ở châu Á, châu Âu và Canada.

Cuộc chiến không khoan nhượng

Quan hệ Trung - Úc đã bắt đầu xuống dốc nhanh chóng từ năm 2017, khi chính quyền Thủ tướng Malcolm Turnbull khi đó công khai cho rằng Trung Quốc tìm cách can thiệp vào nền chính trị Úc. Do vậy, Canberra siết chặt luật hạn chế ảnh hưởng của nước ngoài đối với các quan chức dân cử Úc, tiếp theo là cấm hãng công nghệ Huawei tham gia phát triển mạng lưới viễn thông 5G tại Úc theo khuyến cáo của Mỹ.

Sự xung khắc quyết liệt giữa 2 nước càng đi xa khi hồi tháng 4-2020, chính quyền Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều tra nguồn gốc virus Corona gây đại dịch COVID-19 toàn cầu. Đến tháng 9-2020, Ngoại trưởng Úc Marine Payne cáo buộc chính quyền Trung Quốc đàn áp người Hồi giáo ở Tân Cương và cấm cửa các quyền tự do dân sự tại Hong Kong.

Đáp lại, Trung Quốc áp đặt trừng phạt kinh tế khi hạn chế nhập khẩu 13 ngành công nghiệp Úc, trong đó than, đồng, gỗ, thịt bò, lúa mạch và rượu vang. Không dừng lại đó, Trung Quốc gửi cho Chính phủ Úc danh sách 14 yêu cầu phải giải quyết gồm lệnh cấm vận Huawei, luật can thiệp nước ngoài, những cáo buộc về tấn công mạng và quyền con người, chính sách Biển Đông của Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh còn yêu cầu Canberra không đứng về phía Mỹ trong chiến dịch chống Trung Quốc.

Đến ngày 30-11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên lại “đổ dầu” vào mối quan hệ song phương đang bốc lửa bằng hình ảnh đăng trên Twitter một binh sĩ Úc đang kề dao vào cổ một trẻ em Afghanistan. Sự việc này xuất phát từ thông tin Chính phủ Úc đang điều tra nghi vấn binh sĩ Úc sát hại dân thường ở Afghanistan.

Về phần mình, Thủ tướng Morrison đã tỏ ra không khoan nhượng trong cuộc chiến thương mại mang màu sắc chính trị của Bắc Kinh. Ông Morrison cho rằng 14 kiến nghị của Trung Quốc là một đòi hỏi thái quá xâm phạm chủ quyền quốc gia của Úc. Ông nhấn mạnh Úc sẽ không thỏa hiệp các giá trị và lợi ích cốt lõi quốc gia, đồng thời tuyên bố chính sách của nước này không bao giờ “theo lệnh của bất kỳ quốc gia nào”.

Mục tiêu của Trung Quốc

Trung Quốc phủ nhận mọi trách nhiệm khiến quan hệ với Úc ngày một xấu thêm và giải thích rằng các đòn trừng phạt kinh tế của Bắc Kinh nhằm vào Canberra không liên quan đến các yêu sách chính trị. Tuy nhiên, vòng xoáy đi xuống trong quan hệ Trung - Úc đã thu hút sự chú ý toàn cầu về việc Bắc Kinh sử dụng thương mại như vũ khí chính trị, qua đó thúc đẩy tiếng nói kêu gọi hợp tác quốc tế chống Trung Quốc và đề xuất giải pháp giúp Úc xử lý tốt nhất với quan hệ siêu cường mới nổi.

Trung Quốc là thị trường hàng hóa và dịch vụ lớn nhất, chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu của Úc. Trong tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 177 tỉ USD năm 2019, Úc xuất khẩu sang Trung Quốc đến 153 tỉ USD, chủ yếu là quặng sắt, than, đồng, gỗ. Thị trường đông dân thứ nhất thế giới cũng đóng vai trò quan trọng đối với các sản phẩm thịt bò, lúa mạch và rượu vang của Úc. Tuy nhiên, việc hạn chế nhập khẩu như than sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến Trung Quốc nhiều hơn Úc. Hiện Trung Quốc vẫn  mua quặng sắt của Úc bởi đây là nguồn nguyên liệu sống còn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo ông Denny Roy, nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Đông - Tây tại Honolulu (Mỹ), trừng phạt thương mại chống Canberra không  đem lại lợi ích kinh tế cho Bắc Kinh nên sớm hay muộn thì Trung Quốc  sẽ bỏ lệnh cấm và khôi phục quan hệ với Úc, dù họ không được toại nguyện 14 yêu cầu được đưa ra. Hy sinh quan hệ tạm thời với Úc chỉ là cái cách để Trung Quốc cố gắng xây dựng vị thế của mình trong các vấn đề chính trị trước các đối tác thương mại khác.

Bilahari Kausikan, cựu đại sứ Singapore tại Liên Hiệp Quốc và Nga, nhận định mục tiêu của Bắc Kinh là  muốn phá vỡ ý chí chính trị của Úc, qua đó gieo rắc sự nghi ngờ trong tất cả đồng minh và bạn bè Mỹ trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. “Nếu Úc cúi đầu trước sức ép của Trung Quốc, các nước khác sẽ lưu ý và xem xét lại lập trường riêng của mình”, ông Kausikan cảnh báo.

Năm 2010, Na Uy đã bị Bắc Kinh trừng phạt vì trao giải thưởng Nobel Hòa bình cho ông  Lưu Hiểu Ba, một nhân vật đối kháng tại Trung Quốc. Để được dỡ bỏ lệnh cấm đó, chính quyền Oslo đã có cử chỉ được cho là “khúm núm” xoa dịu Trung Quốc. Hay năm 2017, Trung Quốc áp đặt trừng phạt kinh tế chống Hàn Quốc vì cho phép Mỹ triển khai hệ thống tên lửa THAAD, buộc Seoul phải đưa ra cam kết hạn chế hợp tác quân sự với Washington để Bắc Kinh nguôi giận.

Sự kiên định của Úc

Làm thế nào để Úc và Trung Quốc khôi phục lại quan hệ là vấn đề gây tranh cãi trong công luận Úc lẫn quốc tế.

Cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd cho rằng Canberra đã đi quá xa trong việc đối đầu với Trung Quốc và kêu gọi chính quyền hiện nay cần học hỏi từ chính sách ngoại giao thực dụng của Nhật Bản, quốc gia đang bị Trung Quốc tranh chấp  về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Hugh White, cựu quan chức quốc phòng Úc và hiện là giáo sư danh dự Đại học Quốc gia Úc, nhận xét: “Úc có ít tranh chấp đáng kể với Trung Quốc hơn các nước châu Á, nhưng những năm gần đây, dưới chính quyền Malcolm Turnbull và Scott Morrison, Úc đã chọn cách chỉ trích Trung Quốc ở cấp độ cao hơn bất kỳ quốc gia khác tại châu Á. Vì vậy, ông White cho rằng Canberra nên theo đuổi các lợi ích chính sách quan trọng mà không phải khiêu khích Bắc Kinh  một cách công khai. Trong khi đó, cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull (giai đoạn 2015-2018) cho rằng việc Trung Quốc đưa ra danh sách 14 yêu cầu đối với Úc là điều đi ngược lại nền dân chủ của Canberra. Ông  Turnbull mô tả các chiến thuật trừng phạt và chính sách ngoại giao “chiến lang” chỉ làm cho Bắc Kinh đánh mất hình ảnh của mình trong mắt dư luận quốc tế.

Shin Kak-soo, cựu đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản và Israel, cho rằng tất cả các quốc gia châu Á cần nỗ lực xây dựng mạng lưới đa tầng dựa trên những khuôn khổ và chuẩn mực buộc Trung Quốc phải tuân thủ. Ông Shin hoan nghênh Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden thúc đẩy sáng kiến thành lập liên minh quốc tế kiềm chế và kiểm soát các hành vi bắt nạt và cưỡng bức của Trung Quốc. Shin Oya, cố vấn cao cấp của trung tâm nghiên cứu Sáng kiến châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở tại Tokyo, cho biết dù Nhật Bản từng đối mặt với lệnh phong tỏa mua đất hiếm từ Trung Quốc vì vụ bắt giữ một thuyền trưởng đánh cá trái phép năm 2010, nhưng mới đây vẫn ký thỏa thuận quốc phòng quan trọng với Úc như là cách chống lại chiến thuật gây sức ép của Bắc Kinh.

“Đứng về phía Úc không chỉ dành cho nhân dân Úc mà cho tất cả những người tin rằng vào pháp quyền và thế giới không bị cưỡng bức kinh tế”, ông Oya nhấn mạnh. Nhà ngoại giao kỳ cựu Singapore Kausikan cũng tin rằng sự cưỡng bức kinh tế sẽ không làm thay đổi lập trường của một quốc gia phát triển. “Hãy bình tĩnh và giữ vững lập trường đối với các vấn đề nguyên tắc và lợi ích cốt lõi quốc gia”, ông Kausikan ủng hộ sự kiên định của Úc trong cuộc đấu trí kinh tế và chính trị căng thẳng với Trung Quốc.

Mỹ chấm dứt 5 chương trình trao đổi với Trung Quốc

Ngày 4-12, Bộ Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo thông báo chấm dứt 5 chương trình trao đổi giữa nước này và Trung Quốc. Các chương trình trao đổi này được triển khai theo Đạo luật trao đổi văn hóa và giáo dục (MECEA), cho phép các nhân viên chính phủ Mỹ tham gia các chương trình trao đổi sử dụng vốn tài trợ của chính phủ nước ngoài. Ngoại trưởng Pompeo cho rằng những chương trình bị chấm dứt đều là các chương trình được Chính phủ Trung Quốc tài trợ hoàn toàn. Ông Pompeo cho biết thêm những chương trình này chỉ được gắn mác là “các chương trình trao đổi văn hóa” nhưng thực chất không mang lại lợi ích song phương như những chương trình khác trong MECEA.


KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết