|
Tên lửa Trung Quốc trong cuộc diễu hành ở Bắc Kinh tháng 10 năm ngoái. Ảnh: AFP |
Việc Mỹ thông báo kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan hồi tuần rồi tiếp tục gây ra những phản ứng mạnh từ Trung Quốc. Từ đó đến nay, các quan chức hai bộ Quốc phòng và Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra ít nhất 6 tuyên bố về thỏa thuận của Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, và đáng chú ý là việc Bắc Kinh hôm 11-1 công khai thông tin phóng thử thành công tên lửa đánh chặn trên không.
Tân Hoa Xã cho biết tên lửa đánh chặn được phóng từ bên trong lãnh thổ Trung Quốc và “cuộc thử nghiệm đã đạt được mục tiêu dự kiến” mà không cho biết có tên lửa nào bị phá hủy hay không. Việc Trung Quốc công khai thành tựu mới trong lĩnh vực công nghệ tên lửa đánh chặn thật ra không phải là lần đầu. Năm 2007, Trung Quốc đã phóng thành công tên lửa phá hủy một vệ tinh cũ đang bay trên quỹ đạo. Công nghệ này cũng giống với công nghệ tên lửa đánh chặn.
Điều bất thường là Trung Quốc tuyên bố phóng thử tên lửa thành công ngay sau khi Mỹ thông báo bán tên lửa phòng không tối tân Patriot PAC-3 cho Đài Loan. Theo thỏa thuận trị giá 6,5 tỉ USD đã được thông qua dưới thời cựu Tổng thống George Bush tháng 10-2008, hai tập đoàn sản xuất vũ khí lớn nhất Mỹ là Raytheon và Lockheed Martin được phép bán “số lượng không xác định” hệ thống tên lửa phòng không cho Đài Loan. Theo các nhà quan sát, các tên lửa trên có thể được dùng để chống lại hơn 1.000 tên lửa mà Đài Loan cho là Trung Quốc đang triển khai ở vùng duyên hải hướng vào hòn đảo này.
Trung Quốc luôn tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và có thể sáp nhập lại bằng sức mạnh nếu cần thiết. Vì vậy, sau thông báo của Mỹ, các nhà phân tích quốc phòng Trung Quốc kiến nghị Bắc Kinh thông qua các giải pháp cứng rắn đối phó với Washington, trong đó có việc hoãn hoặc hủy các cuộc đối thoại về quân sự. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du cho rằng Mỹ nên “bỏ tâm lý Chiến tranh lạnh” và đánh giá nghiêm túc ảnh hưởng của việc này tới quan hệ song phương. Các quan chức quân sự Trung Quốc cũng yêu cầu Bắc Kinh “có biện pháp” với Washington và các công ty Mỹ.
Những động thái trên diễn ra vào thời điểm nhạy cảm khi quan hệ Trung - Mỹ đang có những bước tiến dài, đặc biệt là sau chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Barack Obama tháng 11-2009. Quan hệ quân sự được cải thiện đáng kể với việc hai bên nối lại tham vấn về quốc phòng từ tháng 6 năm ngoái, sau 18 tháng gián đoạn. Tháng 10-2009, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Từ Tài Hậu trở thành quan chức quân sự cấp cao đầu tiên của Trung Quốc tới Washington kể từ năm 2006. Trong chuyến đi đó, hai cường quốc đã quyết định trao đổi quân sự nhiều hơn, đặc biệt là chuyến đi dự kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tới Bắc Kinh trong năm nay.
Còn quá sớm để nói rằng liệu chuyến đi dự kiến của ông Gates có bị ảnh hưởng bởi cuộc tranh cãi về vấn đề Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan hay không. Nhưng theo Phó đô đốc Dương Nghị, chuyên gia Viện nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc phòng ở Bắc Kinh, chắc chắn vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới sự tin cậy lẫn nhau, việc trao đổi quân sự và hợp tác Trung - Mỹ về các vấn đề khu vực và toàn cầu.
N. KIỆT (Theo THX, China Daily, Reuters)