27/02/2018 - 08:42

Trồng nấm rơm sạch trong nhà 

Bây giờ, ở miền Tây, nấm rơm có bán 4 mùa. Đặc biệt, ở TP Cần Thơ có thêm nấm rơm sạch trồng trong nhà, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân. 

Nhiều người mua, bán nấm rơm cho rằng: Nấm rơm bán dọc trên những nẻo đường quê hay ra chợ không lo ế. Bởi nấm rơm là một trong những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng nên được ưa thích trong bữa ăn gia đình; dùng chế biến các món chay hay mặn đều ngon. Tuy nhiên, mức tiêu thụ nấm rơm tại các chợ ở miền Tây tăng hay giảm còn tùy theo sức mua. Cao điểm nấm bán chạy nhất vào ngày Rằm (14, 15) và 30 mùng 1 (Âm lịch). Nếu thu hái nấm ra bán đúng vào dịp này, số lượng tăng lên gấp 2-3 lần cũng tiêu thụ hết và bán được giá cao hơn so với ngày thường. 

Sản phẩm nấm rơm sạch trồng trong nhà.

Phục vụ Tết Nguyên đán, theo cơ sở Thần Nông ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, chuyên cung cấp meo giống cho người trồng nấm rơm trong vùng, một số nông dân trồng nấm chuyên canh đã mua trữ rơm chuẩn bị cho mùa chất nấm từ tháng 11. Mỗi tháng một vụ, nên người trồng nấm bán chợ dự đoán, phân đoạn theo thời gian để cung nấm đáp ứng vừa đủ theo nhu cầu tiêu dùng ở các chợ. Điển hình như ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, ông Hai Lộc có 200 công ruộng với lượng rơm khá lớn sau mỗi mùa lúa. Ông cùng với khoảng 20 nông dân liên kết trồng nấm. Vào mỗi đợt trồng nấm như vậy, ông Hai Lộc vừa thu nấm rơm của nhà và cộng thêm nấm rơm mua lại từ một số hộ nông dân trồng nấm “vệ tinh”, ước có trên 5 tấn/ngày. Ông phân phối, chở nấm bán đến nhiều chợ thuộc các tỉnh trong vùng.

Hiện nay, khu vực trồng nấm rơm ở ĐBSCL tập trung nhiều nhất ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, ước sản lượng cung cấp ra thị trường 30-50 tấn/ngày. Kế đến là khu vực lân cận quanh TP Long Xuyên, tỉnh An Giang cung bằng khoảng 50% lượng nấm của Lai Vung. Ở Thốt Nốt, TP Cần Thơ chiếm 1/4 lượng nấm của huyện Lai Vung.

Nấm rơm trồng ngoài trời theo cách làm lâu nay hiện có giá bình quân 45.000-50.000 đồng/kg. Riêng nấm rơm sạch trồng trong nhà, bán tại Công ty cổ phần Nấm Thần Nông, khu vực Bình An, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ có giá 65.000-80.000 đồng/kg. Loại nấm rơm sạch luộc, cấp đông 290.000 đồng/kg; nấm rơm tươi cấp đông 240.000 đồng/kg.

Từ cuối những năm 1980, nghề trồng nấm ở các tỉnh miền Tây có một thời nở rộ, do có thị trường xuất khẩu hút hàng sang nhiều nước. Sau mỗi mùa lúa, nông dân tận dụng rơm rạ trồng nấm tạo thêm thu nhập. Trồng nấm không khó, nếu nắm vững kỹ thuật, gặp thời tiết thuận lợi sẽ đạt năng suất cao và mức lãi thu được tăng thêm. Tuy nhiên, so với nhiều sản phẩm nông nghiệp khác, nấm rơm bảo quản sau thu hoạch rất khó. Nấm tươi sau thu hoạch 24 giờ, nếu không bảo quản, chế biến kịp thời sẽ dễ bị hư.

Theo các chuyên gia ngành trồng nấm, nấm rơm Việt Nam có hình dáng đẹp, đầu dù nấm dài, màu đen, chân nấm tròn, trắng, vỏ mỏng... có ưu thế cạnh tranh. Do đó, nấm rơm Việt Nam từng được khách hàng thị trường Hồng Kông, Đài Loan hay các nước Singapore, Ý... ưa chuộng, đặt hàng nhập khẩu. Tuy vậy, nếu như 20 năm trước, ở ĐBSCL trồng nấm rơm xuất khẩu là chính, tiêu thụ nội địa không đáng kể thì hiện nay cán cân tiêu thụ ngược lại. Đó là do chi phí vận chuyển rơm rạ từ đồng xa, thiếu thiết bị máy móc hỗ trợ nâng cao năng suất và hạ giá thành trong trồng nấm.

Nấm rơm xuất khẩu hiện có giá thấp, không hấp dẫn người trồng nấm. Với mức thu mua bình quân 23.000 - 27.000 đồng/kg, nấm muối xuất khẩu 55.000 đồng/kg (2kg nấm tươi chế biến 1kg nấm muối), người trồng nấm chọn cách bán nấm rơm tươi tại thị trường nội địa. Song, nấm rơm bán chợ gặp thử thách lớn nhất là việc bảo quản nấm tươi và hơn hết là làm thế nào tạo niềm tin với người tiêu dùng, đảm bảo không phun thuốc trừ sâu diệt côn trùng trong rơm, không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng.

Vì lẽ đó, những năm qua một số doanh nghiệp, cơ sở trồng nấm rơm ở Đồng Tháp, Cần Thơ đầu tư thử nghiệm kỹ thuật mới theo mô hình trồng nấm rơm trong nhà để quản lý sâu bệnh trong quá trình sản xuất tốt hơn, đảm bảo sản phẩm nấm sạch an toàn đến tay người tiêu dùng.

Trong 10 năm qua, ông Phan Bá Nghi chủ cơ sở meo nấm rơm Thần Nông là một trong những người theo đuổi mô hình trồng nấm rơm trong nhà đi đến thành công. Ông Nghi tự tin cơ sở của ông đã “đi trước một bước” trong việc làm compost nấm rơm với ưu thế: năng suất ổn định mức 30% trên rơm khô thay vì 7% trồng nấm ngoài trời. Compost rơm ủ 15 ngày bổ sung dinh dưỡng trước khi cấy meo giống. Hiệu suất bình quân 10kg rơm cho 3kg nấm tươi. Nếu kỹ thuật trồng đạt năng suất cao, giá thành càng thấp. Kiểm tra chất lượng, kết quả nấm rơm sạch có giấy kiểm nghiệm chứng thực không phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu.

Bài, ảnh: HỮU ĐỨC

Chia sẻ bài viết