Các sản phẩm bánh tráng của Làng nghề sản xuất bánh tráng Thuận Hưng được làm từ bột tươi, bánh ăn rất ngon nên ngày càng được nhiều người tiêu dùng gần xa ưa chuộng. Sản phẩm do nhiều hộ dân tại Làng nghề này sản xuất ra không đủ bán. Bà con phải từ chối các đơn hàng với số lượng lớn hoặc khách lạ để đảm bảo nguồn hàng cho mối quen. Tuy nhiên, các hộ dân tại Làng nghề lại rất khó mở rộng quy mô sản xuất.
Cung chưa đủ cầu
Bà Hà Thị Sáu ngụ khu vực Tân Phú, phường Thuận Hưng gắn bó với nghề làm bánh tráng hơn 30 năm nay. Trước đây, gia đình bà chủ yếu sản xuất loại bánh tráng lạt (hay bánh tráng nem, bánh tráng mặn). Khoảng 7 năm nay, gia đình bà Hà đã chuyển hẳn sang chuyên sản xuất loại bánh ngọt. Đây là loại bánh tráng có đường, mè, nước cốt dừa và bột gạo, dùng nướng ăn rất ngon.
Bà Hà Thị Sáu cho biết: “Bánh tráng ngọt có giá bán sỉ 110.000 đồng/chục, nhưng không đủ bán. Nhiều lúc có khách lạ hay khách ở xa đến muốn đặt hàng mua tận nơi sản xuất với số lượng lớn, nhưng tôi có hàng để bán. Tôi rất muốn mở rộng quy mô sản xuất để có đủ hàng đáp ứng nhu cầu thị trường và cũng cải thiện thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, tôi chưa thể thực hiện được vì gia đình cũng thiếu vốn, mặt bằng. Bên cạnh đó, tôi cũng băn khoăn khi áp dụng máy móc vào sản xuất, bánh tráng làm ra không biết có ngon và được thị trường chấp nhận như sản xuất theo kiểu truyền thống không”.
Theo bà Sáu, gia đình bà không có đất sản xuất nông nghiệp, xưa kia phải đi làm mướn thu nhập rất bấp bênh. Từ khi làm nghề bánh tráng, thu nhập rất ổn định. Hiện mỗi ngày gia đình bà sản xuất từ 1.500-2.300 cái bánh, qua đó giúp 4 thành viên của gia đình có thu nhập trên dưới 100.000 đồng/người/ngày. Những ngày trời nắng, bà Sáu cũng thường xuyên mướn thêm lao động để tăng sản lượng sản xuất.
Sản xuất bánh tráng tại Làng nghề bánh tráng ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt. Ảnh: Khánh Trung
Bà Thái Thị Lê Hồng, 57 tuổi, ngụ tổ 8, khu vực Tân Phú, phường Thuận Hưng, gắn bó với nghề làm bánh tráng được 24 năm. Bà cho biết: Nghề này rất phù hợp với lao động nữ và những người lớn tuổi ở nông thôn. Điển hình như vợ chồng bà, không có ruộng đất sản xuất, nhờ có nghề làm bánh tráng mà có thu nhập rất ổn định.
Với sự hỗ trợ từ 2 người con, mỗi ngày gia đình sản xuất được khoảng 1.500 cái bánh ngọt và giao ngay hết cho các đầu mối. Khách đến mua lẻ hầu như không có hàng để bán. Những tháng trời mưa, bánh tráng càng khan hiếm hơn vì các đầu mối thiếu hàng và yêu cầu phải có hàng giao liên tục. Tuy nhiên, gia đình cũng không dám mở rộng quy mô sản xuất vì điều kiện vốn và thiếu nhân công, kỹ thuật mới trong phơi, sấy bánh.
Cần được hỗ trợ
Nhiều hộ dân sản xuất bánh tại Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng mong được các cơ quan chức năng quan tâm hỗ trợ để làng nghề phát triển ổn định và bền vững. Trong đó, ngoài việc được tiếp cận các kỹ thuật mới trong phơi sấy, bảo quản, đóng gói bao bì sản phẩm, bà con rất mong ngành chức năng hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi và tiếp cận các chương trình khuyến công để có thể đầu tư mở rộng sản xuất. Đồng thời, cần hỗ trợ cho hộ dân trong quá trình xây dựng và phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh đảm bảo các điều kiện kỹ thuật để được cấp giấy đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm và hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm chung cho làng nghề.
Thời gian qua, ông Trần Văn Thành, ngụ phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt đã mạnh dạn thuê mướn mặt bằng và đầu tư các máy móc, thiết bị khá hiện đại để sản xuất bánh tráng, đáp ứng yêu cầu thị trường. Cơ sở sản xuất bánh tráng Minh Thuận do ông quản lý đang giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 17-18 lao động. Cơ sở có thể sử dụng hết lượng nguyên liệu gạo 400 kg/ngày để sản xuất ra hơn 20.000 cái bánh mặn các loại, với nhiều kích cỡ khác nhau tùy theo nhu cầu thị trường.
Cụ thể như, bánh tráng tròn có đường kính 42cm, bánh tròn 38cm, bánh tròn 32cm, bánh tròn 17cm, bánh vuông… Ông Trần Văn Thành cho biết: “Sản phẩm làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu và hầu như chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ từ ngành chức năng, tôi cũng không dám mở rộng thêm quy mô sản xuất vì đòi hỏi vốn rất lớn và có rất nhiều các yêu cầu khắt khe để cơ sở được chứng nhận đảm bảo các điều kiện sản xuất theo quy định”.
Theo ông Nguyễn Văn Phố, Chủ tịch UBND phường Thuận Hưng, hiện có hơn 100 hộ dân tại Thuận Hưng tham gia làm nghề sản xuất bánh tráng. Mỗi lò sản xuất bánh tráng theo quy mô hộ gia đình có thể mang lại thu nhập 500.000-700.000 đồng/ngày và giúp giải quyết việc làm cho từ 4-5 lao động trở lên. Đây là làng nghề góp phần tích cực vào việc giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại địa phương. Thời gian qua, chỉ có 2 hộ dân tại làng nghề đầu tư được máy để sản xuất, còn lại chủ yếu làm thủ công. Vì vậy, chính quyền phường rất mong có các hỗ trợ kịp thời để làng nghề không bị mai một, nhất là sớm xây dựng được nhãn hiệu và thương hiệu sản phẩm cho làng nghề.
Để thúc đẩy phát triển Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng và các làng nghề khác trên địa bàn, Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt phối hợp Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp TP Cần Thơ, UBND phường Thuận Hưng tiến hành khảo sát và nắm bắt nhu cầu hỗ trợ của các cơ sở tại làng nghề. Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt đã xây dựng kế hoạch khuyến công cho làng nghề và gửi về Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thành phố và Sở Công thương để thực hiện hỗ trợ trong năm 2017.
Bên cạnh đó, Phòng cũng kiến nghị các cấp thẩm quyền thành phố có hỗ trợ về tín dụng đối với các làng nghề để các hộ dân tiếp cận được nguồn vốn vay và hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước về phát triển làng nghề. Tạo điều kiện cho người dân tại các làng nghề tham gia thường xuyên các hội thảo, hội chợ để quảng bá sản phẩm, nắm và cập nhật kiến thức về thị trường, thương hiệu sản phẩm và tầm quan trọng về bảo vệ tài sản trí tuệ đối với các làng nghề.
Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, Làng nghề sản xuất bánh tráng ở phường Thuận Hưng hiện có hơn 70 hộ hoạt động thường xuyên, liên tục và khoảng 35 hộ sản xuất theo thời vụ dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Sản phẩm bánh tráng của làng nghề gồm 2 loại bánh đặc trưng là bánh tráng giòn (bánh ngọt) và bánh tráng mặn.
Hiện nay, bánh tráng Thuận Hưng không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại nhiều tỉnh, thành trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường Campuchia. Làng nghề thường xuyên giải quyết việc làm cho khoảng 450 lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 80.000-140.000 đồng/người/ngày.
Hoạt động của làng nghề đã góp phần tích cực vào việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, ổn định và phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương. Qua 6 tháng đầu năm 2017, làng nghề sản xuất đạt hơn 93 triệu bánh, tăng 15% so với cùng kỳ. Doanh thu của làng nghề bánh trong cả năm nay ước đạt hơn 35 tỉ đồng.
Khánh Trung