12/10/2010 - 21:18

13-10: NGÀY DOANH NHÂN VIỆT NAM

Trợ lực cho doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh

Hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) cả nước đã và đang gặp nhiều khó khăn. Đó là giá cả leo thang, nguồn nguyên nhiên liệu, đầu ra cho sản phẩm và đặc biệt là nguồn vốn từng lúc còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, các DN phải đối đầu với sự cạnh tranh với các tập đoàn lớn từ nước ngoài. Làm gì để các DN đã và đang nâng cao năng lực cạnh tranh, sản xuất kinh doanh hiệu quả góp phần phát triển kinh tế – xã hội? Phóng viên Báo Cần Thơ đã có cuộc trao đổi cùng một số doanh nhân tiêu biểu trên địa bàn TP Cần Thơ.

* BÀ PHẠM THỊ VIỆT NGA, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC HẬU GIANG: CẦN HỖ TRỢ CÁC DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU TÌM KIẾM, MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG

Năm 2010, Dược Hậu Giang (DHG) giữ vững được tốc độ tăng trưởng 20%, với ước tính doanh thu khoảng 2.000 tỉ đồng. Tính đến thời điểm này, doanh thu của DHG đạt khoảng 75% so với kế hoạch năm 2010, số còn lại chắc chắn sẽ hoàn thành tốt vào những tháng cuối năm, bởi đây là cao điểm của sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, mạng lưới phân phối của DHG đã rộng khắp cả nước. Không những thế, sản phẩm của DHG còn có mặt tại các thị trường trên thế giới như: Moldova, Ukraina, Nga, Mông Cổ, Myanmar, Campuchia, Lào, Nigeria...

Bên cạnh sự phát huy nội lực, doanh nghiệp rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước. Trong ảnh: Sản xuất thuốc tại Công ty cổ phần Dược Hậu Giang. Ảnh: N.H 

Do ảnh hưởng chung của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, từ năm 2008, làm hạn chế hoạt động mở rộng đầu tư của DN dược phẩm nội địa nói chung và DHG nói riêng. Bên cạnh đó, việc thực hiện lộ trình tăng giá với một số loại hàng hóa đầu vào như điện, nhiên liệu... gián tiếp tạo sức ép tăng giá cho nhiều mặt hàng, trong đó có dược phẩm. Dù đứng trước những khó khăn, thách thức, nhưng DHG nhận thấy đây là cơ hội để cơ cấu lại tổ chức, nhân sự và xây dựng chính sách mới. Với thuận lợi có được bề dày về uy tín và nguồn lực tốt, DHG đã tạo ra được những đột phá trong kinh doanh và trở thành niềm tự hào của ngành dược Việt Nam. Bên cạnh đó, với chính sách khuyến khích xuất khẩu của Nhà nước, trong đó có dược phẩm, đã tạo nhiều thuận lợi cho DHG mở rộng thị trường nước ngoài.

Vấn đề DN quan tâm lớn nhất là việc mở rộng thị trường. Chính vì vậy, Nhà nước cũng như các tổ chức đối ngoại, tổ chức thương mại nên tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường nước ngoài nhằm giúp cho DN được tiếp cận nhiều thị trường hơn. Đồng thời, cần xây dựng chính sách hỗ trợ thiết thực phù hợp với từng qui mô và từng loại hình DN.

* ÔNG LA MINH HỒNG, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN THƯƠNG NGHIỆP TỔNG HỢP CẦN THƠ (C.T.C): HÃY LẮNG NGHE DOANH NGHIỆP CẦN GÌ, THIẾU GÌ?

Kinh tế TP Cần Thơ đang phát triển rất tốt sau hàng loạt các sự kiện được diễn ra trong thời gian vừa qua, đặc biệt là sự kiện khánh thành cầu Cần Thơ. Là một DN kinh doanh trên địa bàn, C.T.C cũng được hưởng lợi từ điều kiện chung. Tuy nhiên, hiện nay tình hình kinh tế chung gặp nhiều khó khăn, nhất là lãi suất ngân hàng hiện đang ở mức khá cao, từ 15-16%/năm, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Điều này chưa kể đến sự cạnh tranh gay gắt trên thương trường, kể cả khi điều kiện thị trường phát triển tốt.

Trước tình hình chung như vậy, đầu năm đến nay, C.T.C luôn chú trọng vào công tác kiện toàn bộ máy, củng cố và xây dựng nguồn nhân lực tốt. Đồng thời tổ chức mạng lưới quản lý bộ máy một cách khoa học và hoạt động mạng lưới kinh doanh hợp lý. Đồng thời, C.T.C luôn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong những năm qua, UBND cũng như các cấp chính quyền thành phố đã có những chính sách hỗ trợ cho DN vượt qua khó khăn của tình hình kinh tế chung. Đây là điều đáng trân trọng! Tôi nghĩ rằng, để các DN hoạt động tốt hơn nữa, các nhà lãnh đạo, các sở, ngành hữu quan... cần tiếp tục lắng nghe DN cần gì, cần hỗ trợ gì để thấu hiểu những khó khăn của DN đang gặp phải... Điều đó có giá trị rất lớn đối với DN! Bởi không chỉ giúp DN tìm hướng kinh doanh tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển, góp phần nâng cao đời sống của người lao động.

* ÔNG THÁI MINH THUYẾT, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN XI MĂNG CẦN THƠ (CANTCIMEX): DOANH NGHIỆP CẦN CƠ CHẾ THÔNG THOÁNG ĐỂ ĐẦU TƯ MỞ RỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH

Thời buổi kinh tế thị trường, đặc biệt nước ta gia nhập Tổ chức Kinh tế Thế giới (WTO) đã tạo cơ hội lớn cho các DN phát triển và vươn tầm ra thế giới. Đây cũng là khó khăn, thử thách lớn cho các DN, cho nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh chung đó, bước ra từ mô hình kinh tế Nhà nước, cũng như nhiều DN khác, Cantcimex cũng gặp phải không ít khó khăn. Những năm gần đây, ngành sản xuất xi măng, giá cả đầu vào tăng liên tục đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trước khó khăn đó, các thành viên trong Ban Giám đốc của Cantcimex đã đề ra nhiều chính sách, giải pháp để vừa duy trì sản xuất, vừa đảm bảo đời sống cho công nhân lao động. Tuy nhiên, cũng trong năm này nhờ gói kích cầu của Chính phủ, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty được vực dậy...

Cantcimex đang từng bước cải tiến trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong việc mở rộng qui mô và sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng. Cuối tháng 9 vừa qua, Cantcimex đã khởi công xây dựng nhà máy xi măng Cần Thơ – Hậu Giang có công suất thiết kế là 700.000 tấn xi măng/năm, với tổng mức đầu tư là 320 tỉ đồng. Để những dự án được triển khai thuận lợi, bên cạnh tiềm lực sẵn có, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là chính sách hỗ trợ về vốn. Thực tế hiện nay, mặt bằng lãi suất ngân hàng đang ở mức quá cao, nếu DN sử dụng đồng vốn vay để đầu tư mở rộng thì khó đảm bảo hiệu quả.

* BÀ NGUYỄN MỸ THUẬN, TỔNG THƯ KÝ HIỆP HỘI DN TP CẦN THƠ: CẦN CHÍNH SÁCH HỢP LÝ ĐỂ KÍCH HOẠT NGUỒN TÀI NGUYÊN “SỨC DÂN, DOANH NGHIỆP”

Thời gian qua, các doanh nhân và DN trên địa bàn thành phố đã có vai trò tích cực trong việc đẩy nhanh việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giúp giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động. Cộng đồng doanh nhân và DN tại thành phố rất phấn khởi khi được Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm và nhìn nhận vai trò, đóng góp thiết thực và đầy ý nghĩa đối với xã hội và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, sự quan tâm của nhà nước đối với cộng đồng doanh nhân và DN đôi lúc còn chưa đầy đủ và chưa thật triệt để trong việc giúp DN giải quyết những khó khăn vốn đã tồn tại nhiều năm qua.

Năm 2010 được nhiều chuyên gia dự đoán là năm khởi đầu cho sự phục hồi sau khủng hoảng, các DN sẽ bước vào thời kỳ hậu khủng hoảng và có bước phát triển mạnh trở lại. Song, trên thực tế sự phục hồi của DN vẫn còn chậm và nhiều DN chưa hoàn toàn thoát ra khỏi khó khăn. Đó là tình trạng thiếu điện, cúp điện; cơ sở hạ tầng giao thông và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, thủ tục hành chính còn phức tạp, gặp khó trong việc thuê đất và tiền thuê đất; DN còn thiếu các thông tin về quy hoạch... Ngoài ra, hiện các DN còn gặp khó khăn do tỷ giá đồng USD tăng, lãi suất tiền vay ngân hàng ở mức cao; giá nhiều loại nguyên liệu sản xuất và hàng hóa có nhiều biến động, xuất khẩu một số mặt hàng gặp khó... Do vậy, các DN tại thành phố cần được chính quyền địa phương và trung ương quan tâm hơn nữa trong việc giúp DN tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Sức dân nói chung và tiềm năng của DN và doanh nhân nói riêng là rất lớn. Do vậy, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và cơ chế của Nhà nước khi ban ra cần có sự phù hợp cao nhất, khả thi nhất để kích hoạt nguồn tài nguyên “sức dân, DN” một cách hiệu quả nhất.

Nam Hương – Văn Cộng

Chia sẻ bài viết