10/07/2016 - 09:24

Trò chơi điện tử - “quyền lực mềm” mới của Trung Quốc

Ngoài những Viện Khổng Tử đang được nhân rộng trên thế giới, trang tài chính Bloomberg cho biết trò chơi điện tử có thể được Trung Quốc sử dụng như "vũ khí mới" nhằm mở rộng "quyền lực mềm" trên toàn cầu.

Những năm gần đây, chính quyền Bắc Kinh đã chi hàng tỉ USD hỗ trợ lĩnh vực nghệ thuật với mục tiêu tạo dựng và thúc đẩy "quyền lực mềm" bên ngoài Trung Quốc. Trong khi Hàn Quốc quảng bá thành công văn hóa xứ Kim chi đến thế giới thông qua làn sóng Hallyu thì giới chuyên gia nhận xét nhiều ngành giải trí của Trung Quốc như sách, phim ảnh, truyền hình lại không đạt thành công tương tự. Thay vào đó, ngành công nghiệp trò chơi điện tử của Trung Quốc lại là điểm sáng, thậm chí có thể trở thành một trong những lĩnh vực xuất khẩu văn hóa có giá trị nhất.

Hình ảnh trích từ video game của Tencent mô tả cảnh tàu chiến Mỹ bị tấn công trên Thái Bình Dương. Ảnh: Tencent and Visions Media.

Năm 2011, tập đoàn Internet Tencent của Trung Quốc đã mua lại phần lớn cổ phần công ty Riot Games (Mỹ) nhằm kiểm soát và nắm quyền phát hành trò chơi trực tuyến League of Legends (Liên minh Huyền thoại). Đến năm 2015, hãng game Trung Quốc hoàn toàn thâu tóm Riot Games. Mới hồi tháng rồi, Tencent lại thu mua công ty trò chơi di động nổi tiếng nhất thế giới Supercell của Phần Lan (100 triệu người chơi hàng ngày) với hợp đồng trị giá 8,6 tỉ USD. Thương vụ này giúp Tencent kiểm soát tổng cộng 13% ngành công nghiệp game toàn cầu, trở thành nhà sản xuất và phân phối thống trị thị trường game thế giới trị giá 100 tỉ USD.

Trong quá trình tiếp cận thị trường nước ngoài, Bloomberg cho rằng các hãng game Trung Quốc phần lớn đều không đối mặt cuộc chiến kiểm duyệt như các nhà sản xuất phim ảnh và truyền hình. Hơn nữa về bản chất, nội dung trò chơi điện tử vốn không giống các chương trình giải trí khác, do vậy chúng dễ dàng thích nghi đối với khán giả nước ngoài. Tencent vẫn đang hút thị trường dựa vào các trò chơi lấy chủ đề truyền thống và sử thi Trung Quốc. Hiện có 300 triệu game thủ sử dụng sản phẩm của hãng này.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Xét về mặt chiến lược lâu dài, Bloomberg cho rằng đây không chỉ là câu chuyện lợi ích kinh tế mà còn mang ý nghĩa quảng bá văn hóa, tuyên truyền chính trị, qua đó mở rộng "quyền lực mềm" của Trung Quốc trên toàn cầu. Hồi năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhấn mạnh vai trò quan trọng của Internet và yêu cầu các đơn vị như Tencent phải nỗ lực tuyên truyền về chủ quyền, chính sách của Trung Quốc. Năm 2013, công ty GIG và quân đội Trung Quốc đã hợp tác phát triển và tung ra trò chơi trực tuyến mô phỏng một cuộc tấn công vào quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Trước đó trong lĩnh vực mạng xã hội, Tencent đã từng bước phủ sóng ứng dụng trò chuyện WeChat trên toàn cầu và ngầm đưa bản đồ "đường 9 đoạn" phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông vào trong ứng dụng của mình. Năm 2015, tập đoàn này còn cho phát hành một video mang tên "Trận chiến chiếm đảo" mô phỏng cuộc tấn công trên không của quân đội Trung Quốc và xâm lược một hòn đảo vùng nhiệt đới.

Nhiều người cho rằng còn quá sớm để nói trò chơi điện tử của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng văn hóa toàn cầu như thế nào. Nhưng với sự lớn mạnh của các hãng game Trung Quốc như hiện nay, không khó để nhận ra lĩnh vực này đang dần trở thành vũ khí mới hỗ trợ đưa "quyền lực mềm" của Trung Quốc ra thế giới.

MAI QUYÊN (Theo Bloomberg)

Chia sẻ bài viết