Bài, ảnh: THANH ÐÌNH
Quý III hằng năm được đánh giá là thời điểm thị trường bất động sản (BÐS) có dấu hiệu giảm nhiệt, giao dịch chậm do bước vào các tháng mùa mưa, lượng khách hàng đầu tư vào BÐS sụt giảm. Tại thị trường Cần Thơ, lượng giao dịch BÐS cũng được nhiều đơn vị kinh doanh môi giới ghi nhận có sự trầm lắng so với 2 quý đầu năm, song vẫn có những giao dịch thành công.
Các yếu tố tác động đến tình trạng thị trường BÐS giao dịch chậm trong quý III có thể kể đến việc nhiều ngân hàng không còn room tín dụng cho vay BÐS. Với việc ban hành các quy định liên quan đến rà soát lại tình trạng BÐS “2 giá” để xác định nghĩa vụ thuế khi giao dịch BÐS, không ít nhà đầu tư có tâm lý không mạnh dạn đầu tư ngay vào các sản phẩm mới. Bên cạnh đó, các tháng mùa mưa, nhất là tháng 7 âm lịch hay còn gọi là “tháng ngâu” cũng là thời điểm nhiều người dân ít giao dịch BÐS.
Một tuyến đường trong khu dân cư 586 với diện mạo ngày càng khang trang, sầm uất.
Theo ông Lê Huỳnh Hoàng Minh, Phó Giám đốc Công ty CP Nhà đất Mêkông, trong tháng 7 âm lịch, thị trường BÐS vẫn có những giao dịch thành công. Tuy nhiên, sản lượng giao dịch này chỉ chiếm khoảng 30% so với các tháng trước. Ðơn cử tại khu vực Nam Cần Thơ, sản phẩm giao dịch thành công dao động trong mức giá từ 2-2,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, những ngày cuối tháng 7 âm lịch lại là thời điểm nhiều người có nhu cầu mua đất, mua nhà để đầu tư hoặc để ở đi khảo sát, thăm dò thị trường.
Nhiều đơn vị môi giới cho rằng đây là thời điểm thích hợp để những người có “tiền tươi thóc thật” có thể chọn được sản phẩm tốt và có thể thương lượng được mức giá hợp lý. Theo ông Phạm Hồng Thái, chuyên môi giới BÐS ở khu vực Nam Cần Thơ, chia sẻ: Lực lượng môi giới có kinh nghiệm lâu năm thường có những khách hàng thân thiết nhất định. Vì thế, đa phần các giao dịch môi giới thành công vào thời điểm thị trường trầm lắng là những khách quen có sẵn nguồn tiền đầu tư, không phải huy động thêm vốn từ ngân hàng. Khách hàng cũng có những yêu cầu cụ thể để lực lượng môi giới thuận tiện tìm sản phẩm phù hợp. Trong khi đối với khách hàng vãng lai, khách mới tham gia đầu tư BÐS sẽ có xu hướng xem nhiều sản phẩm ở nhiều địa điểm khác nhau, cân nhắc hướng của thửa đất hoặc nhà, so sánh mức giá, cân đối khả năng tài chính…
Nhìn chung, khi thị trường trầm lắng, những nhà đầu tư thứ cấp vào BÐS dù có sẵn nguồn tiền cũng không mang tâm lý đầu tư lướt sóng mà chọn những sản phẩm có tiềm năng thanh khoản tốt để đầu tư lâu dài. Dòng vốn tín dụng đưa vào thị trường BÐS đang có xu hướng chậm lại do ngân hàng cạn room tín dụng cũng góp phần làm thị trường giảm nhiệt và trầm lắng. Tuy nhiên, các dự án đang triển khai dang dở có nguy cơ bị ảnh hưởng làm chậm tiến độ. Lợi thế vẫn thuộc về các nhà đầu tư BÐS có nguồn tiền mặt ổn định. Trong khi những nhà đầu tư lợi dụng đòn bẩy tài chính có nhiều rủi ro hơn cũng như sụt giảm lợi nhuận nếu kéo dài thời gian trả lãi ngân hàng khi không tìm được đầu ra sản phẩm.
Theo các chuyên gia, các chính sách liên quan đến tín dụng BÐS phần nào góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ BÐS, ổn định thị trường, hạn chế tình trạng đầu cơ tăng giá đột biến. Bởi theo các chuyên gia khi thị trường BÐS bị đầu cơ thái quá sẽ làm “méo mó” về cung - cầu và bị ức chế do thiếu đồng bộ về chính sách (đất đai; quy hoạch; đầu tư; nhà ở; xây dựng; kinh doanh BÐS; thuế…). Tình trạng đầu cơ đất ở thái quá làm cho giá cả thoát ly xa giá trị thực của nó, gây khan hiếm giả tạo; gây nên những cơn sốt giá, vượt sức chịu đựng của nền kinh tế; tác dụng tiêu cực đến quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, chính sách nhà ở xã hội… Ðể phát triển thị trường BÐS theo hướng an toàn; lành mạnh và bền vững, chính sách tài chính và tín dụng phải hướng đến mục tiêu sàng lọc những doanh nghiệp BÐS yếu kém, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp làm ăn bài bản phát triển. Quan tâm ưu tiên cho lĩnh vực BÐS nhà ở và khu công nghiệp; hỗ trợ chương trình nhà ở của các địa phương. Bên cạnh đó, việc xử lý những sai phạm và chấn chỉnh những bất cập trong quản lý thị trường BÐS và thị trường tài chính là cần thiết. Song, phải có giải pháp phải linh hoạt và bảo đảm không làm ngưng trệ sự phát triển của thị trường BÐS, nhất là trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Theo ông Lê Huỳnh Hoàng Minh, thị trường BÐS từ cuối quý III có khả năng tăng trưởng trở lại bởi trên thực tế các nhà đầu tư có sẵn nguồn tiền hoặc đã bán được sản phẩm và chốt lời từ trước có xu hướng thăm dò, tìm kiếm sản phẩm mới ngay trong “tháng ngâu”. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cấp thành phố và cấp vùng ÐBSCL đang được triển khai quyết liệt để sớm đưa vào vận hành, khai thác là những yếu tố giúp các nhà đầu tư yên tâm, tin tưởng vào những định hướng đầu tư dài hạn.