Áp lực học tập, mối quan hệ bạn bè, môi trường sống thay đổi là những áp lực mà học sinh (HS) thường phải đối mặt. Những vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ lại ảnh hưởng lớn đến tâm lý các em. Nếu không có hướng giải tỏa, không được hỗ trợ kịp thời, các em dễ rơi vào trạng thái rối loạn về tâm lý, dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Ðồng hành cùng HS, các cấp bộ Ðoàn TP Cần Thơ đã phối hợp triển khai nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ HS chăm sóc sức khỏe tinh thần, xây dựng lối sống lành mạnh, giúp các em phát triển toàn diện.
Các diễn giả tư vấn tâm lý cho HS tại tọa đàm “Nâng cao năng lực nhận diện và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho HS trung học”, do Thành đoàn phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ tổ chức. Ảnh: Q. THÁI
Hơn 60.000 HS của 39 trường THPT, 76 trường THCS trên địa bàn thành phố theo dõi chương trình tọa đàm “Nâng cao năng lực nhận diện và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho HS trung học”, do Thành đoàn phối hợp Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ tổ chức (trực tiếp tại Trường THPT Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều, và phát trực tuyến trên fanpage Facebook của Thành đoàn, Hội đồng Ðội TP Cần Thơ và một số đơn vị khác).
Theo Tiến sĩ Huỳnh Thanh Bình, chuyên gia tâm lý, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP Hồ Chí Minh, có nhiều biểu hiện nhận biết sức khỏe tinh thần đang bị sa sút, như giấc ngủ không sâu, kết quả học tập giảm sâu, không còn hứng thú với mọi thứ xung quanh, tâm trạng vui - buồn thất thường... Nhiều người nghĩ các em đang tuổi ăn tuổi lớn thì chẳng có gì áp lực, thế nhưng thực tế các em phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất và tinh thần, từ áp lực học tập, thiếu vận động, đến những thay đổi về tâm sinh lý tuổi dậy thì, điều kiện sống thay đổi.
Một vấn đề đáng lo ngại là nhiều HS lạm dụng sử dụng mạng xã hội quá nhiều. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội là 5-7 giờ mỗi ngày. Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, việc sử dụng mạng xã hội quá mức tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần, như sao nhãng học tập, trầm cảm, mất ngủ, cảm giác cô đơn vì thiếu gắn kết với mọi người, có thể dẫn đến trầm cảm lâu dài... Những dấu hiệu này đôi khi bị cha mẹ bỏ qua, không lưu tâm, do đó các chuyên gia tâm lý khuyến cáo cha mẹ nên dành thời gian cho con, lắng nghe và kết nối với con. Ðiều quan trọng nhất là bản thân cha mẹ cũng cần kiểm soát cảm xúc, luôn giữ tinh thần lạc quan, truyền năng lượng tích cực cho con.
Ở góc độ người làm công tác giáo dục, bà Kim Thị Hồng Trang, Giáo viên tư vấn tâm lý Trường Phổ thông FPT Cần Thơ, cho rằng tỷ lệ HS gặp các vấn đề tâm lý ngày càng có xu hướng tăng. Ðiều đáng báo động là khi bản thân rơi vào tình trạng này, các em hầu như không biết phải gặp ai, làm gì để giúp mình vượt qua. Các em loay hoay tự tìm đường thoát, phụ thuộc ngày càng sâu vào chiếc điện thoại cá nhân với các mối quan hệ ảo, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Các chuyên gia khuyến nghị cơ quan quản lý giáo dục tập trung các nguồn lực, thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của HS, giáo viên, gia đình và cộng đồng về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần; tạo ra không gian học tập thoải mái, giảm thiểu căng thẳng, khuyến khích sự tương tác tích cực giữa thầy và trò, giữa HS với nhau.
Anh Trần Việt Tuấn, Phó Bí thư Thành đoàn Cần Thơ, cho biết: “Các cấp bộ Ðoàn - Ðội triển khai nhiều mô hình, giải pháp góp phần phòng ngừa, can thiệp, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe tinh thần của HS. Thành đoàn - Hội đồng Ðội thành phố chỉ đạo tổ chức Ðoàn - Ðội các trường tổ chức diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với bạo lực học đường” tại các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; xây dựng các sản phẩm truyền thông về ứng xử văn minh của HS khi tham gia mạng xã hội”.
Ðối với hoạt động nâng cao năng lực số cho HS, các cấp bộ Ðoàn - Ðội triển khai các chương trình nâng cao nhận thức, hướng dẫn phụ huynh, người dùng về các giải pháp bảo vệ và nâng cao sức khỏe tâm thần cho HS. Trong năm học 2024-2025, các cấp bộ Ðoàn - Ðội tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, trong đó chú trọng xây dựng môi trường học tập lành mạnh, an toàn, phòng chống tệ nạn xã hội và bạo lực học đường, giúp các em phát triển toàn diện từ thể chất đến tinh thần.
TÚ ANH