|
Một vụ phóng thử tên lửa Taepodong-2. Ảnh: Reuters |
CHDCND Triều Tiên có kế hoạch thử quả bom nguyên tử thứ ba, nhằm phản ứng lại việc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vừa thông qua nghị quyết mở rộng các biện pháp trừng phạt nước này sau vụ thử hạt nhân hồi tháng 5. Dẫn nguồn tin từ Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), kênh truyền hình Fox News (Mỹ) cho biết thử bom hạt nhân chỉ là một trong 4 hành động dự tính kế tiếp của Bình Nhưỡng, trong đó còn lại là: tái chế toàn bộ các thanh nhiên liệu plutonium đã qua sử dụng của nước này thành plutonium chế tạo vũ khí hạt nhân; đẩy mạnh chương trình làm giàu uranium; và phóng thêm một tên lửa xuyên lục địa Taepodong-2.
Triều Tiên từng dọa sẽ thử tên lửa xuyên lục địa nếu HĐBA không xin lỗi về việc áp đặt lệnh trừng phạt vụ phóng hồi tháng 4 mà theo lời Bình Nhưỡng là vệ tinh trong khi nhiều nước cho rằng đó là tên lửa tầm xa. Hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cảnh báo rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sẽ thử thêm tên lửa tầm xa. Cụ thể, ngày 2-6, các quan chức tình báo Mỹ phát hiện Triều Tiên vận chuyển một tên lửa Taepodong-2 tại căn cứ quân sự Yunsong. Tiếp đó, ngày 9-6, một số bộ phận của tên lửa tầm xa được chuyển khỏi bãi phóng Musudan-ri. Nhiều thông tin khác cho biết Triều Tiên cũng có thể chuẩn bị phóng thử tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm ngắn, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có cuộc gặp với người đồng cấp Hàn Quốc Lee Myung-bak lần đầu tiên vào tuần tới.
Phản ứng trước thông tin gia tăng căng thẳng từ Bình Nhưỡng, đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Stephen Bosworth cho biết Washington đang cân nhắc biện pháp trừng phạt nhằm trực tiếp vào nguồn tài chính của Triều Tiên tại các ngân hàng nước ngoài. Tuy nhiên, Mỹ vẫn để ngỏ khả năng ngoại giao, sẵn sàng nối lại đàm phán bất cứ lúc nào với Triều Tiên.
Mùa hè này sẽ đánh dấu 20 năm tiến trình ngoại giao của phương Tây nhằm tìm giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Lúc bắt đầu tiến trình này, kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là con số 0, nhưng sau nhiều năm “đàm phán phi hạt nhân hóa”, hiện nước này đã tuyên bố là cường quốc hạt nhân. Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc như phong tỏa thương mại tỏ ra không hiệu quả. Nhờ vào sự bùng nổ thương mại với Trung Quốc, ngành ngoại thương Triều Tiên vẫn tăng đều đặn, ngay cả khi HĐBA áp đặt lệnh trừng phạt sau vụ thử hạt nhân lần đầu hồi năm 2006. Xuất khẩu của Triều Tiên năm ngoái tăng 23% so với năm 2007, và nhập khẩu tăng 33%. Trong những năm qua, Triều Tiên cũng thu về hàng trăm triệu USD từ việc xuất khẩu tên lửa và các bộ phận tên lửa tới các nước ở Đông Á và Trung Đông.
N.MINH (Theo Bloomberg, Fox News, AFP)