13/03/2016 - 16:25

Triển khai tiêm vắc-xin Sởi - Rubella cho đối tượng 16 – 17 tuổi

Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu

Sởi và Rubella là những bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Sởi và vi rút Rubella gây nên. Bệnh Sởi có nhiều biến chứng nguy hiểm ở trẻ nhỏ như: viêm phổi, tiêu chảy, suy dinh dưỡng, viêm não… và có thể gây tử vong. Nếu người mẹ nhiễm Rubella 18 tuần đầu thai kỳ, có thể gây sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, hội chứng Rubella bẩm sinh (CRS). Hội chứng Rubella bẩm sinh gồm: tim bẩm sinh, đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, vàng da… Tiêm vắc-xin Sởi – Rubella là cách tốt nhất để phòng bệnh, giảm tình trạng mất khả năng lao động do bệnh tật gây nên. Để chuẩn bị cho đợt tiêm Sởi - Rubella trên địa bàn TP Cần Thơ, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, Sở vừa ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch, với mục tiêu tiêm vắc-xin Sởi - Rubella cho đối tượng 16 - 17 tuổi trong trường học đạt trên 90%, đảm bảo an toàn tuyệt đối và chất lượng tiêm chủng. Các đối tượng được tiêm là học sinh lớp 11, 12 các trường (THPT, Trung tâm Giáo dục thường xuyên, THPT Dân tộc nội trú, Trường Thực hành Sư phạm - Đại học Cần Thơ), không kể tiền sử được tiêm chủng vắc-xin Sởi, Sởi - Rubella, Sởi - Quai bị - Rubella trước đó, trừ những em vừa được tiêm vắc-xin Sởi, Sởi – Rubella, Sởi - Quai bị - Rubella hoặc vắc-xin thủy đậu trước ngày tiêm của chiến dịch trong 1 tháng. Đợt này dự kiến tiêm cho 16.319 học sinh; thời gian tiêm cho học sinh các trường (từ 26-4 đến 29-4-2016); tiêm vét tại các trạm y tế vào 4 và 5-5-2016.

Học sinh lớp 11-12 là đối tượng được tiêm ngừa vắc - xin Sởi-Rubella miễn phí. Ảnh chụp học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, quận Cái Răng.  

Ban chỉ đạo thành phố, huyện phân công từng thành viên Ban Chỉ đạo đi chỉ đạo, giám sát công tác chuẩn bị thực hiện chiến dịch từng huyện và phường. Để chuẩn bị cho chiến dịch, cán bộ y tế phối hợp cán bộ y tế trường học, giáo viên chủ nhiệm lập danh sách theo từng lớp. Thời gian lập danh sách và điều tra đối tượng hoàn thành trước 8-4-2016. Sở Y tế giao Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng TP Cần Thơ phối hợp Bệnh viện Đa khoa và Bệnh viện Nhi đồng thành phố tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế trực tiếp tham gia chiến dịch; tập huấn công tác phối hợp và tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chiến dịch tiêm Sởi – Rubella cho giáo viên các trường có học sinh tiêm vắc-xin.

Đảm bảo an toàn tiêm chủng

TTYT dự phòng TP Cần Thơ phân phối, vận chuyển vắc-xin, bơm kim tiêm, hộp an toàn đến từng huyện, hoàn thành trước ngày triển khai tiêm vắc-xin 3 - 5 ngày, rồi phân phối, vận chuyển về các xã. Đối với những quận, huyện có giao thông thuận lợi, trạm y tế xã, phường chủ động về quận, huyện nhận vắc-xin, vật tư tiêm chủng để bảo quản tại phường, xã. Đối với những huyện khó khăn, TTYT, TTYT dự phòng quận, huyện có kế hoạch cụ thể để vận chuyển tới xã khó khăn. Thời hạn hoàn thành vận chuyển vắc-xin tới xã là trước thời điểm triển khai của xã đó từ 1 - 2 ngày. Tuyến xã phân phối, vận chuyển vắc-xin tới các điểm tiêm chủng trước từng buổi tiêm chủng.

TTYT, TTYT dự phòng huyện nhận và phân bổ tài liệu truyền thông cho các trường có tiêm vắc-xin, phối hợp trường tuyên truyền lợi ích của việc tiêm vắc-xin Sởi – Rubella và các triệu chứng sau tiêm, cách theo dõi sau tiêm cho giáo viên chủ nhiệm. Nhà trường truyền thông ở các buổi sinh hoạt dưới cờ, họp phụ huynh..., đồng thời, treo băng rôn, phát thanh tuyên truyền trước thời điểm tiêm vắc-xin. Sở Y tế lưu ý, các điểm tiêm chủng cần treo băng rôn "điểm tiêm ngừa", dán áp phích tuyên truyền, có băng ghế nơi mát để học sinh ngồi chờ, có giường để nằm (phòng khi phản ứng sau tiêm), có phòng theo dõi sau tiêm 30 phút; học sinh ổn định mới cho về lớp. Các điểm tiêm bố trí các bàn: khám phân loại, tiêm vắc-xin, ghi chép thông tin, phòng theo dõi sau tiêm thuận tiện, đảm bảo tính một chiều, trang bị đầy đủ hộp chống sốc theo quy định. Mỗi bàn tiêm không quá 100 học sinh/buổi.

Thực hiện tiêm chủng an toàn, tổ chức tiêm theo từng lớp, cuốn chiếu từng trường; khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng để phát hiện các trường hợp bất thường cần lưu ý quyết định tiêm hay không tiêm chủng. Học sinh cần đọc kỹ các nội dung giấy mời để phối hợp với nhà trường và cán bộ y tế trong khám sàng lọc trước tiêm chủng. Bệnh viện đa khoa, TTYT, TTYT dự phòng huyện bố trí các đội cấp cứu lưu động tại các điểm tiêm chủng để xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng (nếu có). Mỗi điểm tiêm bố trí tối thiểu 3 cán bộ y tế được huấn luyện về kỹ năng thực hành tiêm chủng và phòng, chống sốc. Cán bộ y tế được huấn luyện đảm nhiệm việc khám phân loại, hướng dẫn chăm sóc sau tiêm, tiêm vắc-xin và xử lý sốc (nếu có). Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc TTYT dự phòng TP Cần Thơ lưu ý, liều lượng tiêm là 0,5 ml. Cán bộ y tế chỉ được khui và sử dụng hết từng lọ vắc-xin; tuyệt đối không sử dụng vắc-xin còn thừa trong lọ tại điểm tiêm này mang sang điểm tiêm khác. Tiêm theo từng lớp và cuốn chiếu theo từng trường. Thời gian: sáng từ 7 giờ 30 phút đến 10 giờ 30 phút, chiều từ 13 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút. Cuối mỗi buổi tiêm, cán bộ y tế hủy bỏ lọ vắc-xin sử dụng còn thừa, lọ chưa khui bảo quản ở 2 – 80C và được phép rời điểm tiêm sau 30 phút tính từ trường hợp được tiêm cuối cùng.

Sở Y tế TP Cần Thơ đề nghị, mỗi bàn tiêm phải chuẩn bị nước trà đường để học sinh uống trước khi tiêm; cung cấp số điện thoại mỗi bàn tiêm và cán bộ y tế chịu trách nhiệm chung về chuyên môn để nhà trường, phụ huynh liên lạc khi cần thiết.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết