18/08/2019 - 09:17

Triển khai thực hiện Đề án “Các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới” 

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ vừa ký, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy nội địa (ĐTNĐ) trong tình hình mới" trên địa bàn TP Cần Thơ.

Kiểm tra việc trang bị áo phao trên các phương tiện thủy là việc làm thường xuyên của lực lượng Cảnh sát đường thủy Công an TP Cần Thơ.

  Những năm qua, các sở, ban, ngành TP Cần Thơ và các địa phương đã có nhiều giải pháp thực hiện nghiêm công tác bảo đảm TTATGT ĐTNĐ; duy trì, trật tự, kỷ cương trong hoạt động giao thông đường thủy. Từ đó, ý thức chấp hành Luật Giao thông ĐTNĐ của người tham gia giao thông có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, vẫn xảy ra 6 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 5 người, bị thương 2 người; thực trạng quản lý, vận hành, khai thác hệ thống giao thông thủy nội địa còn nhiều bất cập; ý thức chấp hành quy định về an toàn kỹ thuật phương tiện, điều kiện hoạt động của bến và công tác xử lý vi phạm của lực lượng chức năng chưa được quan tâm đúng mức, tiềm ẩn nguy cơ TNGT...

Theo Kế hoạch, về kết cấu hạ tầng ĐTNĐ đến năm 2030: cải tạo 100% các điểm đen TNGT trên các tuyến ĐTNĐ địa phương; cải tạo các điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT ở mức cao trên các tuyến ĐTNĐ địa phương. Đối với phương tiện thủy: 100% phương tiện thủy nội địa đăng ký, đăng kiểm và lắp các thiết bị nhận dạng, thiết bị thông tin liên lạc theo quy định; 100% phương tiện thủy chở khách ngang sông được trang bị đầy đủ áo phao và dụng cụ nổi cầm tay cho hành khách trên phương tiện theo quy định. 100% thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa được đào tạo, huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; 100% người tham gia giao thông ĐTNĐ, chủ phương tiện, thuyền trưởng, người lái phương tiện và người dân sinh sống dọc các tuyến ĐTNĐ được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT ĐTNĐ; 100% học sinh, sinh viên thường xuyên đi học bằng phương tiện thủy được tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT ĐTNĐ và trang bị các kỹ năng cần thiết bảo đảm an toàn tính mạng khi xảy ra TNGT ĐTNĐ.

Định hướng sau năm 2030, hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy hoạch và cơ chế chính sách về bảo đảm TTATGT ĐTNĐ; đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ; áp dụng khoa học- công nghệ tiên tiến trong hoạt động quản lý về ATGT ĐTNĐ nhằm giảm thiểu TNGT ĐTNĐ một cách bền vững.

Bài, ảnh: XUÂN ĐÀO

Chia sẻ bài viết