31/12/2012 - 17:46

Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ

Triển khai lọc máu liên tục, cứu sống nhiều bệnh nhi nặng

Các bác sĩ đặt catheter tĩnh mạch ở bẹn bệnh nhi. Ảnh do khoa Hồi sức tích cực và Chống độc cung cấp.

Ngày 18-12-2012, phương pháp lọc máu liên tục (LMLT) được triển khai áp dụng tại khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ đã mở ra cơ hội cứu sống nhiều bệnh nhi bị suy thận, suy gan, rối loạn đông máu, sốc, nhiễm trùng huyết... Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ về phương pháp này, bác sĩ CKII Hà Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, cho biết:

Lần đầu tiên bệnh viện áp dụng kỹ thuật LMLT đối với bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng (TCM) nặng. Sau 24 giờ lọc (từ 11g ngày 18-12), bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, tỉnh táo, tiếp xúc với cha mẹ, tự bú được. Trước đó, bệnh nhi L.P.H. (18 tháng tuổi, ở huyện Hòn Đất, Kiên Giang), nhập viện trong tình trạng rối loạn nhịp thở, chẩn đoán bệnh TCM độ 3. Các bác sĩ tiến hành điều trị nội khoa bằng thuốc Gammaglobulin, đặt nội khí quản, thở máy… nhưng bệnh nhi không đáp ứng với các loại thuốc hạ sốt, sốt cao liên tục, hôn mê, suy hô hấp, rối loạn nhịp tim và chuyển lên độ 4. Trước tình hình đó, các bác sĩ hội chẩn và quyết định tiến hành LMLT cho bệnh nhi. Đây là một kỹ thuật rất phức tạp. Trước đó, chúng tôi đã cử 2 bác sĩ và 4 điều dưỡng đến BV Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) để tập huấn về kỹ thuật này. Đây là ca LMLT đầu tiên tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ nên bệnh viện đã mời nhóm bác sĩ từ Bệnh viện Nhi Đồng 1 đến trực tiếp hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật. Hiện nay, khoa đã tự thực hiện được kỹ thuật này.

* Thưa bác sĩ, thế nào là LMLT?

LMLT hay còn gọi là liệu pháp thay thế thận liên tục. Đây là phương thức điều trị nhằm lọc ra khỏi máu các chất độc (nội sinh hoặc ngoại sinh), dịch và điện giải … một cách liên tục và chậm rãi, dành cho các bệnh nhi có huyết động không ổn định, có hoặc không có suy thận. Nói đơn giản là máu của bệnh nhi đi qua bằng màng lọc vô khuẩn (màng bán thấm), lọc bỏ các phân tử "độc chất" và trả lại cơ thể máu tinh khiết. Kỹ thuật này khó vì bác sĩ phải đặt một catheter (ống thông bằng chất dẻo) tĩnh mạch ở bẹn bệnh nhi. Trong khi bệnh nhi nhỏ, tĩnh mạch nhỏ nên các bác sĩ phải có tay nghề cao mới làm được. Chưa kể phải đặt tĩnh mạch ở tay để đo và theo dõi huyết áp xâm lấn… các bác sĩ, điều dưỡng phải túc trực 24/24 giờ để theo dõi huyết áp bệnh nhân.

* LMLT tại chỗ có hiệu quả như thế nào?

Khi chưa có máy LMLT, các bệnh như sốt xuất huyết (SXH) có biến chứng suy thận cấp (không có nước tiểu), TCM nặng, ong chích biến chứng suy thận cấp, sốc nhiễm trùng huyết nặng, một số bệnh tự miễn như nhược cơ… đều phải chuyển lên TPHCM. Tỷ lệ cứu sống không cao vì đường xa chuyển viện làm cho bệnh nặng hơn nên kết quả lọc máu ít hiệu quả. Nay có máy, làm tại chỗ sẽ hiệu quả hơn vì " thời điểm vàng" đối với bệnh nặng rất quan trọng, đôi khi chỉ tiến hành lọc sớm hơn vài phút thôi đủ để cứu sống mạng người.

* Thưa bác sĩ, có phải bệnh nhân bị TCM nặng nào cũng LMLT được?

LMLT cũng có biến chứng nhất định như biến chứng nhiễm trùng catheter và nhiễm trùng huyết, chưa kể chi phí khá cao (khoảng 10 triệu đồng/đợt lọc), tùy tình trạng bệnh mà có bệnh nhi phải lọc 2-3 đợt. Vì thế, chỉ khi nào bệnh không đáp ứng với điều trị nội khoa, suy hô hấp, sốc, sốt cao liên tục, rối loạn tri giác, rối loạn tuần hoàn, thở máy… mới chọn biện pháp cuối cùng là LMLT. LMLT cũng được áp dụng với bệnh nhi bị SXH nặng, ong chích, nhược cơ…Sau khi bệnh nhi LMLT, kỹ thuật này cũng không gây biến chứng hay ảnh hưởng gì cho các cơ quan trong cơ thể.

* Tình hình bệnh nhi bị SXH, TCM nặng gần đây nhập viện như thế nào, thưa bác sĩ ?

Khoảng hai tuần gần đây số bệnh nhi mắc TCM và SXH chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc tăng. Trước đây, 1 tuần có 3-4 ca bị TCM nhập viện vào khoa. Thỉnh thoảng mới có 1 ca nặng suy hô hấp, phải đặt nội khí quản, thở máy. Nhưng gần đây số lượng ca nặng tăng lên, có tuần 3-4 ca nặng phải thở máy. Đặc biệt, những ca nặng đang tập trung ở địa bàn quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Điều này chứng tỏ vi rút độc lực nặng EV 71 đang khưu trú ở khu vực này. Ngoài ra, tình trạng SXH nặng cũng rất đáng lo. Mỗi tuần, khoa phải tiếp nhận 10-15 ca SXH. Trong đó, có ca suy hô hấp, sốc… vì thế, phụ huynh cần lưu ý thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh TCM và SXH cho con em mình.

* Cảm ơn bác sĩ!

HUỆ HOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết