12/01/2019 - 07:16

Triển khai Chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin Sởi - Rubella 

Sáng 11-1-2019, UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị triển khai Chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin Sởi - Rubella cho trẻ em từ 1-5 tuổi tại thành phố Cần Thơ. Theo đó, trong tháng 3- 2019, trên toàn TP Cần Thơ, dự kiến có trên 43.000 trẻ được tiêm bổ sung vắc-xin quan trọng này. 

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh phát biểu chỉ đạo.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Nguyễn Trung Nghĩa cho biết, trẻ từ 1 đến 5 tuổi (trẻ sinh từ ngày 1-1-2014 đến 1-3-2018)  tại 5 quận, huyện: Ninh Kiều, Cái Răng, Ô Môn, Thới Lai và Cờ Đỏ (không phân biệt địa bàn cư trú và có hay không có hộ khẩu) được tiêm Sởi-Rubella trong chiến dịch lần này. Chỉ trừ những trẻ vừa được tiêm vắc-xin Sởi, Sởi - Rubella hoặc  Sởi - Quai bị - Rubella trước ngày tiêm chiến dịch trong vòng 1 tháng.

Thời gian tiêm từ ngày 18-3 đến ngày 20-3-2019 tại trường học (kể cả công lập và tư thục). Từ ngày 21-3 đến ngày 23-3-2019 tiêm tại trạm y tế cho các trẻ chưa đi học và nhóm trẻ gia đình. Từ ngày 28-3 đến ngày 29-3-2019, tiêm vét tại trạm y tế cho tất cả các trẻ chưa được tiêm ở 2 đợt trên. 

Do số trẻ tiêm đông, địa bàn triển khai rộng, chỉ tiêu 95% trẻ được tiêm, đảm bảo an toàn tuyệt đối tiêm chủng nên thành phố sẽ thành lập Ban chỉ đạo 3 cấp: thành phố; quận, huyện; và xã, phường, thị trấn. Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ Nguyễn Quang Thông, Trung tâm chủ động chuẩn bị mọi mặt cho chiến dịch. Đặc biệt, xác định truyền thông là quan trọng. Chiến dịch sẽ được tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin như báo, đài (tọa đàm trên đài phát thanh – truyền hình), phát thanh, áp phích, tờ bướm, băng rôn, phát loa tuyên truyền trong trường học, bệnh viện, trạm y tế...

Thành phố cũng tiến hành tập huấn phòng, chống sốc phản vệ và an toàn tiêm chủng cho 100% thành viên tham gia trực tiếp tại bàn tiêm. Các đơn vị điều tra số trẻ, trước hết điều tra trong cộng đồng rồi đến các trường học. Nếu nhà có đối tượng tiêm chủng thì dán phiếu “nhà có trẻ tiêm vắc-xin Sởi - Rubella năm 2019”, dán ở nơi dễ nhìn thấy và xa tầm tay trẻ em. Ở các trường, lập danh sách tất cả các cháu. Căn cứ vào danh sách điều tra để gởi thơ mời cho phụ huynh 1 tuần trước khi tiêm.  

Điểm mới của chiến dịch lần này là trường hợp trẻ bị bệnh bẩm sinh, tiền sử mắc bệnh mãn tính, dị ứng, có nguy cơ cao hoặc cần được theo dõi chặt chẽ hơn sẽ được tiêm tại bàn tiêm ở các bệnh viện: Nhi đồng, Phụ sản, Quân dân y, Ô Môn, Trung tâm Y tế quận Cái Răng và Thới Lai. Mỗi đơn vị có ít nhất 1 bàn tiêm.  Ngoài ra, các đơn vị này tổ chức 2 đội cấp cứu/đơn vị, sẵn sàng chi viện cho tuyến trước. Trạm y tế xã cũng tổ chức 1 đội cấp cứu. Trước, trong và sau chiến dịch, phân công cán bộ kiểm tra, giám sát. Tổng kinh phí cho chiến dịch gần 1,9 tỉ đồng (trong đó trung ương hỗ trợ trên 856 triệu đồng để mua vắc-xin, bơm kim tiêm và hộp an toàn), còn lại kinh phí địa phương chi cho truyền thông, tập huấn, điều tra, mua vật tư tiêm chủng, thuốc chống sốc, in ấn biểu mẫu, trả công tiêm, giám sát, kiểm tra. 

Số CA mắc sởi tăng nhanh

Theo Bộ Y tế, từ năm 2017, số ca mắc Sởi tại Việt Nam tăng nhanh so với 2 năm trước, ghi nhận có 436 trường hợp sốt phát ban nghi Sởi tại 45 tỉnh, thành phố. Trong đó có 145 trường hợp sởi dương tính. Năm 2018, tính đến 17-9-2018, toàn quốc có 49 tỉnh, thành phố ghi nhận trên 2.300 trường hợp sốt phát ban nghi sởi; 37 tỉnh, thành phố ghi nhận 954 trường hợp mắc sởi dương tính, 1 ca tử vong. Trong số đó, phần lớn không được tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc duy trì tiêm 2 mũi vắc- xin Sởi ở trẻ dưới 2 tuổi đạt 95% là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi. Ngoài ra, cần triển khai các đợt tiêm vét, tiêm chiến dịch theo tình hình dịch tễ.

Từ thực tế đó, Bộ Y tế triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin Sởi – Rubella cho trẻ 1- 5 tuổi ở vùng nguy cơ cao. Thời gian từ tháng 11-2018 đến tháng 2-2019 với số lượng dự kiến gần 4,3 triệu trẻ.  

Thành phố tổ chức tiêm thí điểm tại Trường Mầm non Tây Đô, phường An Cư, quận Ninh Kiều vào ngày 14-3-2019. Qua  đó, mời các địa phương về dự để rút kinh nghiệm trong triển khai.

Tại hội nghị, bà Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế, lưu ý: Đội ngũ giáo viên là trợ thủ đắc lực cho chiến dịch này. Theo đó, hiệu trưởng của các trường cần sinh hoạt cho giáo viên về mục tiêu, ý nghĩa, lợi ích của tiêm bổ sung vắc-xin Sởi-Rubella. Giáo viên tuyên truyền cho phụ huynh học sinh, thông báo thời gian và địa điểm để phụ huynh cho con tiêm đầy đủ. Việc điều tra, lập danh sách quyết định 80% thành công. Vì thế, các địa phương cần cố gắng điều tra đầy đủ, chính xác.  Đề nghị Sở Tài chính sớm thẩm định và tham mưu UBND thành phố phê duyệt kinh phí. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh chi phí, các địa phương báo cáo UBND quận, huyện xin hỗ trợ.

Chủ trì hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh khẳng định tầm quan trọng của chiến dịch và đề nghị các đơn vị nỗ lực thực hiện thành công, vì sức khỏe của cộng đồng, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Các đơn vị cần đa dạng hóa hình thức truyền thông, thông tin ngắn, gọn, dễ hiểu, đưa thông tin đến tận các gia đình có con trong diện cần tiêm. Các trạm y tế, các cơ sở giáo dục phối hợp điều tra đầy đủ số lượng trẻ, rà soát không để trùng lấp. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố bố trí tổng đài trực để giải đáp các thắc mắc của phụ huynh. Các cơ sở triển khai tiêm, tuân thủ nghiêm các quy định của Bộ Y tế.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết