22/06/2021 - 14:07

Trẻ hay gặp tai nạn thương tích trong mùa hè 

Dịch bệnh COVID-19 kéo dài, mùa hè trẻ nhỏ ở nhà tự chơi đùa, nên thường gặp tai nạn sinh hoạt. BS CKI Trần Cao Thái, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP Cần Thơ khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần cập nhật những thông tin về sơ cứu những tai nạn thường gặp ở trẻ, khi các con không may bị chấn thương, sẽ xử trí đúng cách, tránh làm nghiêm trọng thêm tình trạng sức khỏe, thậm chí tính mạng của trẻ.

BS Trần Cao Thái thăm khám cho một trẻ bị chấn thương nhập viện cấp cứu.

BS Trần Cao Thái thăm khám cho một trẻ bị chấn thương nhập viện cấp cứu.

Thống kê từ Khoa Cấp cứu, BV Nhi đồng TP Cần Thơ, trong 3 tháng (tháng 3, 4 và tháng  5-2021), gần 400 trường hợp trẻ bị tai nạn nhập viện cấp cứu, do tai nạn sinh hoạt, bỏng và tai nạn giao thông. Theo các phụ huynh, các con không đến trường, ở nhà, thường gặp tai nạn trong lúc chơi đùa, chạy nhảy. Theo BS CKI Trần Cao Thái, một số tai nạn thường gặp ở trẻ bao gồm chấn thương trầy rách da, gãy xương; thứ hai là bỏng do nước sôi, lửa bếp, điện giật, bàn ủi; thứ ba là dị vật đường thở, do những vật dụng nhỏ, như nút áo, đồng xu. Trẻ còn bị ngộ độc thuốc, hóa chất, hoặc các gói chế phẩm chống ẩm trong bánh kẹo. Bác sĩ ghi nhận, phần lớn các trường hợp vào viện không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách.

“Nhiều phụ huynh vẫn còn giữ thói quen dân gian bôi kem đánh răng, trét nước mắm hoặc dược phẩm không rõ nguồn gốc vào vết thương hoặc có những trường hợp không sơ cứu gì hết, chỉ ẵm con chạy đến cơ sở y tế”, BS Thái cho biết. Theo BS Thái, khi phát hiện trẻ bị bỏng, phải lập tức ngâm vết thương bị bỏng vào nước mát từ 16-24 độ, hoặc để dưới vòi nước chảy nhẹ, sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế. Nếu trẻ bỏng do hóa chất, cũng rửa dưới vòi nước cho trôi bớt hóa chất. Phụ huynh không được lấy nước đá hoặc nước lạnh xát trực tiếp vào vết thương, có thể làm cho trẻ bị tổn thương nặng hơn. Sau khi sơ cứu, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ tiến hành đánh giá và điều trị.

Bác sĩ cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ có con nhỏ về cách phòng ngừa bỏng: Kiểm tra nhiệt độ, thức ăn hoặc sữa trước khi cho trẻ ăn. Không để trẻ tự tắm một mình dưới vòi nước nóng - lạnh. Sắp xếp vật dụng có nguy cơ gây hại cho trẻ như bàn ủi, bình nước nóng tránh xa tầm tay trẻ. Không để trẻ nô đùa ở khu vực nấu nướng. Phụ huynh cũng lưu ý không cầm hoặc uống nước nóng, thức ăn nóng khi đang ẵm hay trông giữ trẻ, phòng gây bỏng.

Trẻ nhỏ cũng rất hay gặp dị vật đường thở. Khi trẻ bị nghẹt do dị vật đường thở, hốc dị vật như nút áo, đồng xu, hạt trái cây hay dị vật nhỏ như bút chì, gôm làm tắc nghẽn đường thở, có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong nếu không sơ cứu kịp thời. Do đó, khi trẻ nuốt dị vật kèm dấu hiệu khó thở, sặc sụa, cha mẹ trẻ cần bình tĩnh xử lý, không được lấy tay móc họng trẻ làm cho dị vật đi vào sâu hơn, khiến tình trạng diễn tiến nặng hơn.

Xử trí trong trường hợp này, cha mẹ cho trẻ nằm sấp xuống, vỗ phía sau lưng, ở giữa hai xương bả vai, khoảng 5 lần, để tống dị vật ra. Nếu chưa thông, chuyển sang làm 5 lần ấn ngực, một tay để sau lưng, ngay giữa hai xương bả vai, một tay để ngay giữa ngực ngay trên xương ức. Ấn gót tay để giữa ngực thẳng từ trước ra sau. Nếu không thông, chuyển sang thủ thuật Heimlich, đứng hoặc ngồi phía sau trẻ, vòng hai tay ra trước ngực trẻ, một bàn tay nắm lại thành nắm đấm, bàn tay còn lại bao lấy nắm đấm này, ở vị trí ngay trên bao tử, ngay dưới xương ức giữa ngực. Xốc nắm tay vào người trẻ tại vị trí này, theo hướng từ trước ra sau, từ dưới lên trên, lặp lại 5 lần, chậm, chắc. Sau khi sơ cứu, đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám trở lại.

Khoa Cấp cứu BV Nhi đồng TP Cần Thơ cũng thường xuyên cấp cứu trường hợp trẻ bị chấn thương gãy xương, do nô đùa, chạy nhảy trơn trợt, té ngã. Khi con bị gãy xương, phụ huynh cần cho trẻ nằm hoặc ngồi yên, hạn chế di chuyển nhiều, thứ hai là chườm lạnh, giảm đau cho trẻ, dùng thanh gỗ băng, quấn cố định lại bộ phận cơ thể có xương bị gãy và sau đó đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất thăm khám.

Trong mùa hè, tình trạng trẻ bị tai nạn giao thông, bị đuối nước cũng thường gia tăng. Để phòng ngừa trẻ bị tai nạn, cha mẹ cần quan tâm, loại trừ những nguy cơ có thể gây đau, chấn thương cho trẻ. Khu vực trẻ chơi đùa cần đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro, như khu vực cầu thang trong nhà cần có lan can cao; mặt sàn nhà phải có tấm chống trơn trợt cho trẻ. Khi trẻ chơi đùa cần có sự giám sát và nhắc nhở thường xuyên của người lớn.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết