22/10/2017 - 09:59

Bác sĩ, tham vấn tâm lý Hồ Nhật Quang:

Trẻ em áp lực rất lớn khi tham gia truyền hình thực tế 

Xung quanh chuyện trẻ em tham gia các chương trình truyền hình thực tế (THTT), phóng viên báo Cần Thơ có cuộc trao đổi với bác sĩ, tham vấn tâm lý Hồ Nhật Quang, Giám đốc Công ty TNHH Thân Tâm Trí.

* Theo bác sĩ, trẻ em được gì khi tham gia các chương trình THTT?

Bác sĩ, tham vấn tâm lý Hồ Nhật Quang. Ảnh: DUY KHÔI

- Hiện nay, các chương trình THTT dành cho trẻ em ngày càng được dàn dựng công phu, khai thác đa dạng các loại hình nghệ thuật: ca hát, nhảy múa, diễn kịch, diễn thời trang… Qua đó, trẻ thể hiện được tài năng, năng khiếu của mình, giúp trẻ tự tin hơn, mạnh dạn và trưởng thành hơn. Đối với phụ huynh, nhiều người có tâm lý nhờ các chương trình THTT sớm phát hiện được “tài năng tiềm ẩn”, thiên hướng của con mình để đầu tư đúng. Cũng có phụ huynh suy nghĩ, qua các cuộc thi, trẻ có thể có nhiều cơ hội “đổi đời”, có cuộc sống chất lượng hơn trước đây.

* Tuy nhiên, cũng có nhiều chương trình nặng khai thác đời tư của trẻ em, nặng ăn thua, bắt trẻ đóng vai người lớn… Dưới góc độ tâm lý học, trẻ em sẽ bị tác động như thế nào, thưa bác sĩ?

- Đối với một số chương trình THTT, nhiều đoạn phim chia sẻ hoặc giới thiệu về gia đình của trẻ em, khai thác những tình huống bất hạnh, khó khăn của gia đình hoặc cho trẻ tự kể lại chuyện của gia đình mình theo kịch bản chương trình. Điều đó sẽ gợi lại những nỗi buồn, nỗi đau thiếu thốn, mất mát trong trẻ, làm hằn sâu hơn những vết thương đó trong tâm hồn và làm cho trẻ bị già hóa. Khi tham gia THTT, trẻ cũng sẽ bị áp lực rất lớn từ người lớn về kết quả thắng thua. Ví dụ như nếu trẻ bị loại ngay từ những vòng ngoài, trẻ sẽ dễ bị sốc và nghĩ rằng mình không có khả năng, cảm giác kém cỏi so với người khác. Còn nếu càng vào vòng trong, kỳ vọng bản thân và gia đình càng cao, nếu không chiến thắng thì sẽ ảnh hưởng nặng nề, gây ức chế.

Những giọt nước mắt của trẻ trên sân khấu THTT cho thấy các em bị áp lực rất lớn. Ảnh: zing.vn

Bên cạnh đó, một số chương trình vì muốn phong phú và đa dạng hơn trong các vòng thi đã cho các em trình diễn theo phong cách người lớn, hát các ca khúc người lớn để khoe giọng, không phù hợp với lứa tuổi. Kèm theo đó là trang phục, kiểu tóc, trang điểm quá già so với tuổi. Vì áp lực lớn phải chiến thắng, phải tỏa sáng; vì giải thưởng, danh tiếng nên các em khó tránh khỏi bị ảnh hưởng đến tâm lý, nhận thức sai về nghệ thuật và đánh mất sự hồn nhiên của tuổi thơ.

* Theo bác sĩ, cha mẹ cần chuẩn bị gì khi quyết định cho con tham gia chương trình THTT?

- Dĩ nhiên, chuyện cho con tham gia THTT hay không là quyết định của mỗi người. Song tôi nghĩ, cha mẹ phải chuẩn bị tâm lý cho chính bản thân rất nhiều để có nhận định đúng cho mình và cho cả con. Cha mẹ phải có bản lĩnh và tình yêu thương con để tạo tâm lý thoải mái, không ép con luyện tập để chiến thắng. Cần chuẩn bị tâm lý và dạy cho các em về sự thất bại, cách chấp nhận và đối mặt với nó. Hãy để cuộc thi diễn ra tự nhiên đúng sân chơi cho trẻ. Hãy nghĩ rằng đây là cơ hội cho các con vui chơi, học hỏi, thay vì nặng chuyện thắng thua. Làm sao để sau cuộc thi, các con vẫn sẽ là các con trong cuộc sống.

* Chuyện “các con vẫn sẽ là các con” sau các cuộc thi có vẻ không phải dễ, nhất là với những Quán quân nhí, thưa bác sĩ?

- Đúng vậy! Đối với những trẻ chiến thắng thường có những tâm lý như: Được khen ngợi nhiều, được nhiều phần thưởng vật chất nên khó kiểm soát được cảm xúc và bản thân. Nếu người lớn không kịp thời bên cạnh, các em sẽ dễ ảo tưởng về bản thân, chủ quan, thiếu khiêm tốn, hoặc không vâng lời ba mẹ.

Thực tế, có không ít trẻ bị ảnh hưởng đến việc học, thích sự nổi tiếng và kiếm tiền. Dù sao thì trẻ em vẫn là trẻ em, kể cả đó là đứa trẻ nổi tiếng, sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình là rất cần thiết. Phụ huynh phải dạy các em không được sao nhãng chuyện học, vì đây mới là tương lai lâu dài và vững chắc của các em.

* Xin cảm ơn bác sĩ!l

  ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết