26/06/2010 - 10:34

Đọc “Từ từ rồi tính”

Trào lộng mà cay

“Từ từ rồi tính” (NXB Thanh Niên và Phương Nam Book phát hành năm 2010) là tập tiểu phẩm ngắn - di cảo sau cùng của cố nhà văn Xuân Sách. Xuyên suốt 105 tiểu phẩm chạm đến những vấn đề nóng bỏng của xã hội như: tham nhũng, mua quan bán chức, sự xuống cấp trong đạo đức xã hội và cả chuyện học hành, thi cử... qua cái nhìn dí dỏm mà sâu cay.

Nhà văn Xuân Sách được nhiều người biết qua những vần thơ giễu mình và giễu người, đặc biệt là tập thơ “Chân dung các nhà văn”. “Từ từ rồi tính” tập hợp các tiểu phẩm giễu thể hiện cách nhìn sâu sắc và đầy trách nhiệm về những nghịch lý xã hội.

Chủ đề về tham ô, hối lộ, cửa quyền được cố nhà văn “ưu ái” nhất. Bằng thủ pháp “lấy chuyện ngày xưa nói chuyện ngày nay” nhà văn đã trào lộng, thâm thúy: Chuyện “Vua Sở mất cung” là một điển tích nhiều người biết: Vua nước Sở đi săn đánh rơi mất cái cung, các quan cận thần sai người đi tìm về nhưng vua cản: “Vua nước Sở đánh rơi cái cung thì người nước Sở lại nhặt được, có phải mất đi đâu mà tìm”. Tác giả đã thêm thắt: Một người đem chuyện đến trường học của Khổng Tử thuật lại, học trò lại kể thêm chuyện các quan của nước Tề thi nhau “đánh mất”: quan coi kho đánh mất sắt thép, xi măng đến vải vóc, phân bón; quan coi điền trạch mất đất, mất rừng; quan chuyên việc ngân khố thì đánh mất tiền vàng... Có người đòi vua phải truy tìm của đã mất, vua phán:”Của người này đánh rơi thì người khác nhặt được, chứ có mất đi đâu mà tìm”. Một học trò giải thích: Ở Sở quốc, người mất cung là vua, người nhặt cung là dân nhưng ở nước Tề người “đánh mất” với kẻ “nhặt của rơi” là một, giống như từ tay này qua tay kia. Điều đáng nói là khi ở tay này là của công nhưng khi sang tay kia lại biến thành của riêng mất rồi. Nghe xong chuyện, Khổng Tử đứng dậy nói: “Ngày mai ta đóng cửa trường, các con mau mau sang nước Tề làm quan lập nghiệp kẻo muộn...” (trang 20).

Trong “Ông Hai lên thành phố”, ngòi bút của nhà văn khiến người đọc cười ra nước mắt. Ông Hai Sầu Riêng lên thành phố thăm con mà đem theo đồ đạc nhiều như người ta “đi bộ xuyên quốc gia”. Vì theo ông: phải đem nước theo uống chứ nước ở “trển” người ta múc nước sông lên đóng chai dán nhãn nước khoáng. Ông Hai đem đèn pin để phòng cúp điện thấy đường đi, khỏi bị té xuống mấy đường rãnh mà “kẻ cày người xới” và để mấy “cháu gái” núp dưới bóng cây nhận ra ông là “ông nội” chứ không phải “anh yêu”. Ông Hai kết luận: “Nhiều người lầm tưởng nhân loại đi lên văn minh hiện đại theo con đường thẳng tiến; biết đâu đi một hồi lại trở về nơi xuất phát” (trang 72)...

Thông qua những chuyện xưa cũ làm cái cớ, tác giả nêu lên, phê phán những tiêu cực hiện nay bằng tâm huyết với cuộc sống. Nhà văn Xuân Sách “nói thẳng, nói thật” bằng thái độ “chống để xây” chứ không soi mói, “vạch lá tìm sâu”.

“Từ từ rồi tính” là nỗi trăn trở của cố nhà văn Xuân Sách trước những thói hư tật xấu ấy tồn tại theo kiểu “hạ hồi phân giải” đến mức chúng trở thành bình thường, phổ biến. Những căn bệnh ấy đều xuất phát từ sự cám dỗ của đồng tiền: “Đồng tiền sạch giúp người nông dân no ấm hơn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo; đem lại nụ cười cho những tài năng về khoa học, nghệ thuật làm nên những công trình, những tác phẩm tầm cỡ... Nhưng những bàn tay bẩn lật sấp chúng tôi lại thì có thể gây nên những tội ác tày trời” (“Trò chuyện với đồng tiền” - trang 30).

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết