04/09/2012 - 20:49

Mỹ:

Tranh cãi xung quanh việc sử dụng hình ảnh MRI trong xử án

Một số nhà khoa học nói MRI có thể giúp nhận biết kẻ nói dối nhưng phía tòa bác bỏ khả năng đưa công nghệ này vào quá trình xét xử.

Gary Smith nói rằng anh không sát hại người bạn cùng phòng nhưng các công tố viên ở Hạt Montgomery thì cho rằng chính anh là thủ phạm. Liệu công nghệ quét não có thể chứng minh người này đang nói thật hay nói dối hay không? Câu hỏi này đang gây ra cuộc tranh luận sôi nổi giữa các nhà khoa học và giới tư pháp Mỹ.

Smith hiện là bị cáo của phiên tòa xét xử vụ án mạng xảy ra năm 2006, khi binh sĩ Michael McQueen bị bắn chết. Smith luôn khẳng định McQueen tự sát và giờ đây, anh tin tưởng khoa học tiên tiến có thể chứng minh sự thật. Theo đó, trong lúc các kỹ thuật viên theo dõi não của anh qua hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI), Smith trả lời một loạt câu hỏi liên quan đến vụ án, bao gồm: “Anh có giết Michael McQueen không?”.

Điều đó nghe có vẻ giống như chuyện khoa học viễn tưởng, song một số nhà thần kinh học hàng đầu nước Mỹ, những người đang sử dụng công nghệ MRI để nghiên cứu bệnh Alzheimer và trí nhớ, cho rằng nó có thể chứng minh đối tượng có dối trá hay không.

Trong suốt quá trình thẩm vấn với cảnh sát trước đó, Smith cho biết anh sẽ ra tòa với máy phát hiện nói dối nhưng Eric M. Johnson, Thẩm phán của Tòa án Hạt Montgomery, cho biết mọi kết quả sẽ không được xem là bằng chứng. Trong khi đó, luật sư của Smith, Andrew V. Jezic, tranh luận tại tòa rằng việc kiểm tra bằng MRI nên được chấp thuận vì các nhà thần kinh học đã từng nói về độ tin cậy và tính hữu ích của nó tại một phiên xử. Tuy nhiên, các công tố viên có vẻ không ưa ý tưởng này khi cho rằng nó sẽ làm đảo lộn hệ thống pháp luật. “Bồi thẩm đoàn sẽ là người đưa ra quyết định” – theo John Maloney, Phó đoàn luật sư Montgomery, người cho rằng kết quả quét não của Smith là không có giá trị.

Mặc dù vậy, Smith vẫn khẳng định nó là một công cụ quan trọng để chứng minh rằng anh là người vô tội. No Lie MRI, một công ty ứng dụng công nghệ này như công cụ nhận biết nói dối, đã thay mặt bị cáo mời ông Frank Haist, Phó giáo sư tâm thần học tại Đại học California (Mỹ), làm cố vấn trong vụ kiện. Trong nghiên cứu của mình, ông Haist từng dùng công nghệ quét não để phân tích não của con người ở các độ tuổi, chủng tộc và người có bệnh tự kỷ. Theo ông Haist, nếu Smith chọn thiết bị này chứng minh sự trong sạch tại tòa, bồi thẩm đoàn sẽ có câu trả lời khi chất vấn: “Anh có giết Michael McQueen không?”. Ngoài quan sát xem Smith có vã mồ hôi hay tỏ ra hồi hộp hay không, ảnh quét não sẽ giúp bồi thẩm đoàn có thêm một yếu tố để đánh giá bị can, từ đó đưa ra quyết định.

Hơn chục năm qua, các nhà nghiên cứu đã tiến hành hàng loạt thí nghiệm, sử dụng những hình ảnh quét não để nhìn thấy những thay đổi bên trong não bộ khi người ta nói dối. Hầu hết kết quả đều cho thấy MRI nhận diện sự dối trá chính xác 90%, thậm chí có nhiều trường hợp, tỷ lệ chính xác đạt đến 100%. Trong trường hợp của Smith, các chuyên gia đã yêu cầu anh ta nói dối khi anh trả lời một số câu hỏi về nghĩa vụ quân sự của mình chẳng hạn “Anh có bao giờ được triển khai tại Iraq chưa?”, mặc dù là có nhưng anh đã trả lời là không. Ngoài ra, họ cũng hỏi anh những câu hỏi liên quan đến vụ án như: “Anh có bắn McQueen không?”. Các nhà khoa học sau đó so sánh những hình ảnh hoạt động não của anh ta sau những lần chất vấn. “Chúng tôi biết não của Smith trông ra sao khi anh ta cố nói dối” – ông Haist nói. Và khi anh ta trả lời câu hỏi thứ hai, hình ảnh của nó khác với khi anh ta trả lời câu đầu tiên.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia vẫn nghi ngờ tính khả thi của việc điều tra bằng MRI trong đời thực, còn các thẩm phán thì thẳng thừng từ chối đưa nó vào phòng xử án. Trong vụ án của Smith, Thẩm phán Johnson tuy thừa nhận chụp MRI não bộ của Smith có thể nhận diện khi nào anh ta nói dối, nhưng cho rằng kết quả đó chắc chắn không được bồi thẩm đoàn công nhận.

TRÍ VĂN (Theo Washington Post)

Chia sẻ bài viết