15/06/2011 - 08:52

Trang sử mới trên chính trường Liban

Tân Thủ tướng Liban Najib Mikati trên truyền hình ngày 13-6. Ảnh: AP

Sau gần 5 tháng không có chính phủ, nội các Liban mới gồm 30 thành viên do tân Thủ tướng Najib Mikati đứng đầu ngày 13-6 đã được thành lập mà trong đó phong trào Hồi giáo vũ trang Hezbollah (dòng Shiite) và phe đồng minh lần đầu tiên trong lịch sử giữ vị thế áp đảo.

Theo Tân Hoa Xã, Hezbollah và các đồng minh của họ nắm giữ tổng cộng 17 ghế, còn đảng của Thủ tướng Mikati (người Hồi giáo dòng Sunni) 7 ghế, Tổng thống Michel Suleiman (Thiên chúa giáo Marôn) 2 ghế và đảng Xã hội Tiến bộ Druze 3 ghế.

Phát biểu trong một cuộc họp báo sau khi công bố nội các, ông Mikati cho biết khẩu hiệu hành động của chính phủ là “Tất cả vì tổ quốc, tất cả vì việc công”. Ông cam kết giữ vững môi trường cùng tồn tại hòa bình, xây dựng kỷ cương đất nước và tôn trọng hiến pháp. “Đây là một chính phủ của tất cả mọi người Liban, phục vụ mọi tầng lớp xã hội và không có thành kiến với bất kỳ đối tượng nào” - ông Mikati tuyên bố. Vị tỉ phú viễn thông 53 tuổi này cũng tái khẳng định lập trường tôn trọng các cam kết quốc tế từ chính phủ tiền nhiệm, như hợp tác với tòa án quốc tế điều tra vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri năm 2005.

Dù nội các mới còn phải được quốc hội 128 thành viên bỏ phiếu tín nhiệm, nhưng Điều phối viên đặc biệt của LHQ Michael Williams đã bày tỏ thái độ ủng hộ, coi đây là bước tiến rất quan trọng và hy vọng chính phủ mới sẽ có đủ khả năng giải quyết các thách thức về kinh tế, chính trị và an ninh của đất nước Trung Đông 4 triệu dân này. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng gởi điện chúc mừng và nhấn mạnh ban lãnh đạo mới ở Liban cần duy trì tinh thần đối thoại dân tộc và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, tại Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Ileana Ros-Lehtinen khuyến cáo Washington cắt viện trợ ngay lập tức cho chính phủ Liban một khi có sự tham gia của bất kỳ nhóm cực đoan nào bị Mỹ gán mác là “tổ chức khủng bố”. Hãng tin Mỹ AP thì cho rằng vị thế mới của Hezbollah ở Liban sẽ cho phép Syrie và Iran, hai cái gai trong mắt Washington, mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông. Theo AP, bất chấp 720 triệu USD viện trợ quân sự dành cho Liban từ năm 2006, Mỹ vẫn không thể lôi kéo Beirut đứng về phía phương Tây hay hạn chế ảnh hưởng của Damas và Tehran trong khu vực.

Hezbollah đã đánh bại cuộc chiến tranh 34 ngày do quân đội Israel phát động vào năm 2006 làm 1.200 người Liban và 160 người Israel thiệt mạng. Chính điều này đã làm tăng uy tín của Hezbollah trong xã hội Liban, cho dù họ bị Mỹ qui chụp là “tổ chức khủng bố”. Phương Tây hiện đang lo ngại chính phủ mới ở Liban sẽ tiếp sức cho Syrie và Iran trong bối cảnh chính quyền Damas đang bị chao đảo vì làn sóng chống đối mang màu sắc bạo lực, còn Tehran thì bị cấm vận kinh tế ngặt nghèo.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết