02/09/2010 - 16:23

ĐỌC “CHIẾC ÁO LẶN VÀ CON BƯỚM”

Trân trọng cuộc sống hơn

Jean Dominique Bauby nguyên là Tổng Biên tập tạp chí thời trang Elle nổi tiếng của Pháp. Ông viết “Chiếc áo lặn và con bướm” trong tình trạng liệt toàn thân do tai biến mạch máu não. Những cảm nhận, suy nghĩ và hồi ức trong thời gian nằm viện được tác giả thể hiện một cách tinh tế. Sách do Nguyễn Thu Trang dịch, Nhà Xuất bản Lao động - Xã hội phát hành năm 2010.

Ngày 8-12-1995, sau một ngày làm việc mệt mỏi ở tòa soạn, Jean Dominique Bauby trở về nhà định chở con trai đi chơi. Nhưng một cơn tai biến mạch máu não bất ngờ ập đến khiến ông bị hôn mê sâu suốt 20 ngày. Tỉnh lại, Bauby mới biết mình bị liệt toàn thân và không nói được, ngay cả việc ăn và thở cũng cần tới sự trợ giúp của máy móc, chỉ duy nhất con mắt trái là còn chuyển động được.

Trở thành người tàn phế ở tuổi 43 là một cú sốc quá lớn đối với Jean Dominique Bauby. Thế nhưng, bằng nghị lực phi thường, ông đã vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần để cho ra đời tác phẩm “Chiếc áo lặn và con bướm” làm xúc động hàng triệu trái tim độc giả trên thế giới. Ông đã thực hiện cuốn sách rất kỳ công: người phụ tá chỉ vào bảng chữ cái, chữ nào đồng ý thì ông chớp mắt một cái, không đồng ý thì chớp mắt 2 cái. Các chữ cái được ghép thành từ, thành câu và thành sách qua 200.000 cái chớp mắt.

“Chiếc áo lặn và con bướm” không có cốt truyện ly kỳ, hấp dẫn mà chỉ đơn thuần miêu tả cuộc sống của tác giả trong bệnh viện ở khu nghỉ dưỡng Berck Plage, miền Bắc nước Pháp, về các mối quan hệ với gia đình, bạn bè cùng những kỷ niệm đẹp, những mơ ước... Bauby ví thân thể bất động của mình như chiếc áo lặn gò bó, khó chịu, còn tâm hồn ông như một con bướm tự do bay lượn với trí tưởng tượng phong phú. Người đọc có cảm giác mình đang song hành cùng tác giả trong từng chi tiết để nếm trải những đau đớn, vui, buồn, tức giận, chia sẻ cùng ông những hồi ức đẹp, những nhận thức về giá trị cuộc sống.

Đọc sách, người ta thấy nghị lực sống của Bauby rất mãnh liệt. Ông kiên trì từng chút một tập cử động các bộ phận để xoa dịu những cơn đau. Ông quan sát và cảm nhận cuộc sống khi có cơ hội ra ngoài bệnh viện, viết thư thăm hỏi bạn bè. Ông thả hồn mình về những miền ký ức, những kỷ niệm đẹp với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp... Trí tưởng tượng đưa Bauby vào những chuyến phiêu lưu thú vị: “Tôi có thể nhiều ngày liền chỉ ở Cinecitta. Ở đó, tôi là đạo diễn vĩ đại nhất của mọi thời đại. Hướng thành phố, tôi quay lại lớp cảnh đầu tiên của “Khát khao đen tối”. Trên bãi biển, tôi làm lại các cú trượt máy quay trong “Cuộc dạo chơi quái dị” và rộng hơn tôi sẽ tái tạo lại cơn bão của những kẻ buôn lậu trong “Moonfleet”. Hay tôi sẽ tan vào trong khung cảnh ấy và sẽ không còn gì nối tôi với thế giới ngoài một bàn tay bạn bè vuốt ve những ngón tay lạnh cóng của tôi. Tôi là Pierro điên, mặt lem luốc mực với chuỗi thuốc nổ quấn quanh đầu. Ham muốn châm que diêm như một đám mây. Và cũng đến lúc ngày tàn, chuyến tàu cuối quay về Paris đưa tôi quay lại phòng bệnh của mình. Tôi chờ đợi mùa đông. Sau khi ních thật nhiều quần áo, chúng tôi có thể lang thang đến khuya, ngắm mặt trời lặn và hải đăng bật lên những tia sáng hy vọng chiếu rọi đến chân trời” (trang 32).

“Chiếc áo lặn và con bướm” được xuất bản vào tháng 3-1997, ba ngày trước khi Jean Dominique Bauby qua đời. Sách đã được dịch và xuất bản ở hơn 30 nước; được đạo diễn Julian Schnabel dựng thành phim và đoạt nhiều giải thưởng quốc tế.

CÁT ĐẰNG 

Chia sẻ bài viết