19/06/2010 - 20:20

Kỷ niệm lần thứ 100 lễ giỗ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị (22/6/1910 – 22/6/2010)

Trăm năm vẫn sáng ngời đạo nghĩa

 

Tên tuổi nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị được nhắc đến nhiều trong dòng văn học yêu nước nửa sau thế kỷ 19, nửa đầu thế kỷ 20. Đứng trên lập trường chính nghĩa và lòng yêu nước nồng nàn, ngòi bút của cụ đả phá, tiến công quyết liệt vào lũ giặc cướp nước và bè lũ tay sai. Thơ Phan Văn Trị chủ yếu làm theo thể Đường luật, có lời lẽ đanh thép và mang đậm yếu tố nghệ thuật. Một nét đặc sắc trong thơ của cụ là mượn hình ảnh các con vật rất quen thuộc với con người để công kích bọn cướp nước, bán nước.

Theo các quyển “Danh nhân và di tích lịch sử văn hóa tỉnh Cần Thơ” (Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Cần Thơ, tháng 8-2003) và “Kỷ yếu Hội thảo khoa học về nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị” (Ban chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu về nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị, 1990): Nhà thơ Phan Văn Trị sinh năm Canh Dần 1830 tại thôn Hưng Thạnh, huyện Bảo An, phủ Hoằng An, trấn Vĩnh Thanh (nay là xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) trong một gia đình Nho giáo. Năm 1847, cụ Phan rời quê lên làng Hạnh Thông, tỉnh Gia Định để tiếp tục con đường học vấn. Năm Kỷ Dậu – 1849, cụ tham gia kỳ thi Hương được tổ chức ở trường Gia Định và đỗ Cử nhân. Cũng vì vậy mà mọi người quen gọi là Cử Trị.

Sống trong thời buổi nhiễu nhương, quan lại vơ vét, bóc lột sức lao động của nhân dân, “cá lớn nuốt cá bé” nên cụ Cử Trị rất buồn lòng, quyết định không ra làm quan mà sống bằng nghề dạy học và sáng tác thơ phú. Năm 1862, khi Pháp đánh chiếm thành Gia Định, cụ lánh xuống làng Bình Cách, Tân An. Thời gian này, nhà Nguyễn ký Hàng ước Nhâm Tuất dâng ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cho Pháp, đời sống nhân dân đau khổ, lao đao bội phần, cụ Cử Trị rất đau xót và căm thù tận xương tủy giặc cướp nước và bè lũ tay sai.

Năm 1868, cụ Phan Văn Trị về sống hẳn ở làng Nhơn Ái, Phong Điền, Cần Thơ, dạy học và làm thơ chỉ trích bọn quan lại xu nịnh thực dân, “mãi quốc cầu vinh” và ca ngợi sĩ khí của các nghĩa quân, sĩ phu yêu nước. Cụ Cử Trị cùng vợ là cụ Đinh Thị Thanh (người làng Nhơn Ái xưa quen gọi là bà Hai Cử) có bốn người con, hai trai, hai gái. Nhà thơ Phan Văn Trị mất ngày 22 tháng 6 năm 1910 (nhằm ngày 16 tháng 5 năm Canh Tuất) tại rạch Cái Tắc, một nhánh của rạch Trà Niềng, Phong Điền, Cần Thơ trong cảnh cơ hàn.

Cả cuộc đời không màng danh lợi, chẳng tham bổng lộc, chức tước, cụ Phan Văn Trị đã sống lối sống thanh bần và một tâm hồn thơ dạt dào cảm xúc.

* * *

Việc sưu tầm, hệ thống lại các tác phẩm thơ của cụ Phan Văn Trị lâu nay được nhiều khoa học, nhà nghiên cứu quan tâm, song gặp không ít khó khăn do thời gian, chiến tranh loạn lạc lại thiếu những văn bản gốc, di cảo. Để xác minh tác phẩm thơ của cụ, các nhà nghiên cứu thường căn cứ vào các tiêu chí: văn cảnh của bài thơ, tính nhất quán trong sử dụng hình tượng, nội dung, ngôn từ và phong cách sáng tác. Một điều khó khi nghiên cứu thơ Phan Văn Trị là ít có bài nào biết rõ hoàn cảnh sáng tác, ngoại trừ những bài thơ gắn liền với sự kiện của đất nước: “Gia Định thất thủ phú” (tồn nghi), “Mất Vĩnh Long”.

Một mảng quan trọng trong thơ Phan Văn Trị là thơ vịnh loài vật. Từ các con vật vốn quen thuộc với người bình dân và những thói quen thường ngày, cụ Cử Trị đã gửi gắm tình cảm của mình. Nội dung chính trong mảng thơ này là phê phán, đánh vào bọn quan lại xu nịnh, bám gót thực dân cầu vinh, hưởng lộc. Theo thống kê trong quyển “Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa sau thế kỷ 19” (Bảo Định Giang, Ca Văn Thỉnh, NXB Văn học giải phóng, 1976), phần thơ Phan Văn Trị có 19 bài thơ độc lập, 10 bài thơ bút chiến với Tôn Thọ Tường và 10 bài cảm hoài. Trong 19 bài thơ độc lập đó, có 10 bài vịnh loài vật. Quyển “Tác phẩm thơ Phan Văn Trị” (Ban chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu về nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị, 1990) có tổng hợp 25 bài thơ tường minh (xác định là của cụ Cử Trị), trong đó đã có 10 bài vịnh loài vật.

* * *

Di tích lịch sử mộ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị. 

Các công trình sưu tầm, tổng hợp thơ Phan Văn Trị có nhiều và cũng có nhiều dị bản khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chọn trích dẫn trong quyển “Thơ văn yêu nước Nam bộ nửa sau thế kỷ 19” (sđd).

Có lẽ, cả cuộc đời Phan Văn Trị, người mà ông căm giận và “ghét cay, ghét đắng” chính là Đốc phủ sứ Tôn Thọ Tường. Pháp dùng Tôn Thọ Tường để chiêu dụ những sĩ phu yêu nước. Ngoài cuộc bút chiến nổi tiếng trên văn đàn nửa sau thế kỷ 19 giữa cụ Phan Văn Trị và Tôn Thọ Tường với 10 bài thơ tự thuật, thì trong các bài thơ độc lập, cụ Cử cũng “chửi xối xả” tên “mãi quốc cầu vinh” này. Cụ đã dùng hình ảnh con trâu chỉ có sức mạnh mà không có trí óc, dễ bị người khác sai khiến làm điều khuynh hại mà ngầm chỉ Tôn Thọ Tường:

“...Mắc mưu đốt đít tơi bời chạy,

Làm lễ bôi chuông dớn dát sầu.

Nghé ngọ già đời quen nghé ngọ

Năm dây đàn khảy biết nghe đâu.”

(“Con trâu”)

Cụ Cử Trị dùng điển tích Trung Quốc “Mắc mưu đốt đít”: Điền Đan là tướng nhà Tề đã dùng “hỏa ngưu trận” để đánh nước Yên đeo gươm vào sừng, buộc cỏ khô vào đuôi trâu rồi đốt. Trâu bị nóng, lồng lộn xông vào trận chém, húc điên cuồng. Cụ Cử cho rằng Tôn Thọ Tường cũng bị Pháp dùng như vậy.

Thú chơi đá cá thia thia là một thú chơi dân dã, quen thuộc của người dân Nam bộ được cụ Cử đưa vào thơ. Nhìn cảnh đồng loại cắn xé lẫn nhau, cụ đau lòng mà thốt lên:

“Đồng loại sao ngươi chẳng

ngỡ ngàng,

Hay là một lứa phải nung gan!

Trương vi so đọ vài gang nước,

Đấu miệng hơn thua nửa tấc nhang...”

(“Đá cá thia thia” – bài I)

Và rồi cụ đưa ra “động cơ” mà chúng đá nhau:

“Đằm thắm mưa xuân trổ mấy màu,

Vài tài, vì sắc mới kình nhau.

Đua toan hai nước toan giành trước,

Lừng lẫy đôi hơi chẳng chịu sau...”

(“Đá cá thia thia” – bài II)

Nhà thơ đã mượn hình ảnh cá thia thia để chỉ trích bọn bán nước, bám gót thực dân, quay lại tàn sát, mưu hại đồng bào, tàn phá quê hương xứ sở của mình để trục lợi cá nhân.

Kiến hôi là một loài kiến có màu đen, rất hôi và chẳng có lợi ích gì. Kiến vàng thì có thân hình lớn hơn kiến hôi, có lợi cho nhà vườn vì giúp cho cây sai trái hơn và trái rất ngọt. Trong bài “Kiến hôi cắn kiến vàng”, nhà thơ đả kích bọn theo Tây, dựa hơi Tây hống hách, làm hại đồng bào:

“Kiến hôi bay hỡi dám to gan,

Dụm miệng cùng nhau cắn kiến vàng.

Cậy thế quen nhành nên lấn lướt,

Nhờ hơi nước đái chớ khoe khoang...”

Nhưng theo cụ Cử, sự thất thế của “kiến vàng” chỉ là tạm thời. Đến một lúc nào đó, kiến vàng sẽ “đeo hoa giỡn trái”:

“...Đây còn thất thế rằng đây dại

Đó ỷ đắc thời gọi đó ngoan

Sau đặng đeo hoa cùng giỡn trái

Đầu bay đái trả chớ than van!”

Cụ Cử Trị có niềm tin dân tộc ta sẽ đánh đuổi quân xâm lược.

Cuộc đời cụ Cử Trị sinh ra và lớn lên trong thời buổi bi thương của đất nước. Bọn tham quan, ô lại “sâu dân mọt nước” “nhiều vô số kể” bóc lột áp bức dân nghèo. Cụ ví chúng như lũ cào cào, phá hại mùa màng:

“...Hại lúa bởi ngươi nên cắc cớ,

Nhọc lòng cho kẻ đuổi lao xao

Lời ngay dám hỏi quan lương thú

Đuổi đó phòng toan tới chốn nào?”

(“Con cào cào”)

Hình ảnh con muỗi hút máu con người cũng được nhà thơ dùng để ám chỉ bọn bán nước, bọn quan lại triều đình nệm ấm chăn êm mà chẳng đoái hoài sự nghèo khổ, cùng cực của đồng bào:

“Béo miệng chẳng thương

con trẻ dại

Cành hông nào đoái chúng

dân nghèo”

Tuy nhiên, cuối bài thơ cũng toát lên niềm tin son sắt rằng có thể “lật ngược thế cờ”:

“Ngày nào miễn gặp cây xơ quất

Xử tội nhà ngươi mắt chẳng nheo.”

(“Con muỗi”)

Không quá trữ tình, dạt dào tình cảm như thơ văn cụ Đồ Chiểu nhưng thơ của cụ Cử Trị đánh không khoan nhượng vào thực dân và bè lũ tay sai. Trong cảnh “nước mất nhà tan”, thơ của cụ Phan Văn Trị không đơn thuần là thơ miêu tả mà có mang tính chiến đấu kiên cường. Điểm nổi bật trong thơ của nhà thơ - nhà chí sĩ Phan Văn Trị là tinh thần dân tộc, lòng yêu nước thương dân. Giọng điệu thơ của cụ Cử Trị đầy chất tự sự, trần tình và có phần bông đùa. Thơ được viết bằng ngôn ngữ bình dân, giản dị rất gần với tính cách của người lao động Nam bộ. Bàng bạc trong những bài thơ là hình ảnh, biểu tượng đặc trưng của xứ Nam kỳ lục tỉnh xưa. Thơ của cụ, đặc biệt là mảng thơ về loài vật mang hơi hướng của văn học dân gian với những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao tương tác trong văn cảnh của từng bài thơ. Bọn thực dân và tay sai không làm sao làm khó được cụ Cử bởi bề ngoài, đó chỉ là những vần thơ miêu tả động vật thuần túy, “nói chó, nói mèo”, còn ý nghĩa mà cụ gửi gắm bên trong thì “ai nghĩ sao thì nghĩ”.

* * *

Đến Cái Răng, xuôi Mỹ Khánh, tìm về khu mộ của nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị để hiểu thêm về một nhà thơ trọn đời trung trinh tiết liệt, dùng thơ văn của mình để góp phần đấu tranh với kẻ thù xâm lược. Mộ phần của vợ chồng cụ Phan Văn Trị nằm hướng ra rạch Cái Tắc (thuộc ấp Nhơn Lộc 1, thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ). Năm 1991, khu mộ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (cũ) công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đã có nhiều cuộc Hội thảo khoa học luận bàn về cuộc đời và sự nghiệp thơ văn cụ Phan Văn Trị, giúp thế hệ hôm nay hiểu thêm về tư tưởng và công lao của cụ. Huyện Phong Điền có một trường THPT mang tên Phan Văn Trị và một trường tiểu học mang tên Thạnh Phú Đông – nơi chôn nhau cắt rốn của cụ Cử Trị.

Danh nhân văn hóa Phan Văn Trị không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Cần Thơ hay Bến Tre mà là niềm tự hào của dân tộc, của đất nước. Trăm năm đã qua, đạo nghĩa và tài năng của cụ Cử Trị mãi là ngọn đuốc sáng, soi đường cho thế hệ hôm nay...

Bài, ảnh: Đặng Duy Khôi

Chia sẻ bài viết