07/08/2008 - 08:15

Trách nhiệm đối với cửa Định An

* Gs.Tskh Nguyễn Ngọc Trân

“Trời cho chúng ta hai con sông Tiền, sông Hậu đầy ắp phù sa để nuôi và mở rộng Đồng bằng sông Cửu Long, và là đường giao thông tự nhiên huyết mạch, đồng thời trời lại đặt bài toán hai cửa sông cho chúng ta giải quyết. Năng lực của chúng ta, trí tuệ của chúng ta phải vượt qua thách thức này để phát huy cao hơn nữa của cải mà trời đất đã cho chúng ta”. Tôi trăn trở mãi với ý kiến này của đồng chí Võ Văn Kiệt, mà tôi xem là một nhiệm vụ mà đồng chí giao trong một lần trao đổi với đồng chí về phát triển vùng đất này của Tổ quốc.

1. Theo số liệu của Cục Hàng hải Việt Nam, từ năm 1975 đến nay, trong 33 năm Cửa Định An được ngành chức năng nạo vét 13 lần kể từ năm 1983.

Trong 13 lần nạo vét, độ sâu nạo vét là từ -3,2 đến -4,5 mét, phổ biến nhất là dưới -3,8 mét (9 lần) và dưới -3,5 (7 lần). Phương tiện nạo vét là các tàu hút bụng Long Châu và Trần Hưng Đạo đưa từ Cảng Hải Phòng vào.

Kinh phí nạo vét hàng năm cao nhất là 14 tỉ đồng (năm 2004) và thấp nhất là 2 tỉ đồng (năm 2007). Tổng cộng kinh phí cho 13 lần nạo vét trong 33 năm là 78,989 tỉ đồng. Thời gian nạo vét duy tu những năm có nạo vét là từ 1 đến 2 tháng.

2. Trước thực tế nạo vét như vậy tôi đã nhiều lần có thư gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nêu lên ba câu hỏi: (1) Việc nạo vét luồng Định An trong 33 năm qua có căn cơ hay không? Bùn cát nạo vét đã được đổ đi đâu? (2) Quy mô đầu tư (kinh phí, phương tiện và khoa học kỹ thuật) cho nạo vét có tương xứng với nhiệm vụ giao cho luồng Định An phục vụ sự phát triển của ĐBSCL? (3) Có đủ cơ sở để kết luận luồng Định An là không sử dụng được cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu? Tôi cũng đã đề nghị Bộ GTVT cho biết chủ trương của Bộ đối với luồng Định An và kế hoạch nạo vét luồng này như thế nào trong các năm sắp tới? bởi lẽ đây là một nhiệm vụ trong QĐ 344/2005/TTg mà Bộ GTVT phải thực hiện, và kiến nghị Nhà nước cho phép thực hiện các phương án khả thi nhằm đạt được một “luồng Định An tự nuôi mình” nếu vì một lý do nào đó Bộ không thể đảm trách nhiệm vụ của mình.

3. Trước những bức xúc và yêu cầu rất chính đáng của người dân Đồng bằng sông Cửu Long về việc nạo vét luồng Định An, thậm chí có nhà đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ một dự án đầu tư nạo vét Cửa Định An theo phương thức BOT, ngày 28-7-2008, tại buổi làm việc với thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nghe về tình hình nạo vét Cửa Định An và đã phát biểu: Bộ GTVT có ý kiến về dự án nạo vét BOT nhưng phải khẳng định việc nạo vét Cửa Định An trước tiên là trách nhiệm của Bộ. Bộ phải thực hiện nghiêm chỉnh Quyết định 344 của Thủ tướng Chính phủ (1).

4. Quyết định 344/2005/QĐ-TTg đã quy định những gì liên quan đến Cửa Định An?

Về kế hoạch phát triển giao thông vận tải đường biển giai đoạn đến năm 2010, Quyết định 344 ghi rõ:

“- Luồng Định An: Cải tạo luồng Định An cho tàu 10.000 DWT - 20.000 DWT, hoàn thành trước năm 2010. Trước mắt tiến hành nạo vét duy tu hàng năm với mức độ chạy tàu hạn chế có lợi dụng thủy triều cho tàu đến 5.000 tấn 10.000 tấn, xây dựng luồng tàu mới qua kênh Quan Chánh Bố để các tàu có trọng tải tới 20.000 DWT ra vào sông Hậu.

- Liên doanh với các đối tác nước ngoài nghiên cứu để có thể đầu tư xây dựng cảng chuyển tải cho tàu 30.000 - 60.000 DWT ở vùng biển ngoài khơi cửa Định An”.

Đối chiếu với văn bản, rõ ràng là Bộ GTVT, mà trực tiếp là Cục Hàng hải Việt Nam đã không thực hiện nghiêm chỉnh QĐ 334, vẫn rất chểnh mảng nhiệm vụ nạo vét Cửa Định An sau khi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành. Thời điểm 2010 còn không xa, Bộ và Cục chưa làm gì đối với việc nạo vét Cửa Định An cho tàu 10.000 – 20.000 tấn vào sông Hậu.

5. Được Thủ tướng nhắc nhở, Bộ và Cục mới nói đến việc nạo vét duy tu hàng năm trước mắt cho tàu biển trọng tải từ 5.000 đến 7.000 tấn.

Xin được nhắc Bộ và Cục rằng trước mắt phải được tính từ thời điểm cuối năm 2005 chứ không phải từ bây giờ, quý III năm 2008. Trước mắt bây giờ là năm 2010 và nhiệm vụ là “cải tạo luồng Định An cho tàu 10.000 DWT - 20.000 DWT, hoàn thành trước năm 2010”.

Giới hạn trọng tải từ 5.000 đến 7.000 tấn (giới hạn này không hề có trong QĐ 344) thì độ sâu nạo vét vẫn là từ -4,2 đến -4,5 mét. Mục đích của Bộ và Cục là gì? Phải chăng là để gây khó khăn cho nhà đầu tư khi mà dự án nạo vét BOT chọn chuẩn tắc nạo vét độ sâu -5,5 mét, đáy luồng 200 mét, mái 1/10, một sự lựa chọn do chính một công ty tư vấn trong ngành giao thông biển của Cục, nay đã cổ phần hóa, đề xuất đảm bảo cho tàu biển trọng tải từ 10.000 đến 20.000 tấn ra vào sông Hậu an toàn suốt năm đúng như yêu cầu của QĐ 344?

Xin nói thêm rằng “việc chỉ đạo nạo vét luồng Định An theo quy hoạch theo hướng đấu thầu quốc tế trọn gói về việc nạo vét này” mà bây giờ Bộ GTVT nói tới, tôi không hề tìm thấy trong Quyết định 334/2005/QĐ-TTg.

6. Cũng như mọi cử tri trong cả nước, đặc biệt cử tri ở Đồng bằng sông Cửu Long, tôi mong Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam hãy nhận lấy trách nhiệm của mình, thực hiện nghiêm túc Quyết định 344 và kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, không thoái thác hay từ nhiệm việc nạo vét Cửa Định An dưới bất cứ hình thức nào nữa.


(1) Ghi chú trực tiếp của tôi tại cuộc họp.

Chia sẻ bài viết