07/11/2022 - 18:49

Trà Vinh tìm giải pháp phát triển du lịch 

(CT) - Ngày 7-11, trong khuôn khổ Tuần Văn hóa, Du lịch - Liên hoan ẩm thực Nam Bộ gắn với Lễ hội Ok - Om - Bok, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Trà Vinh tổ chức tọa đàm triển khai Chương trình phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh (Chương trình). Dự tọa đàm có đại diện Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, lãnh đạo ngành Du lịch và các doanh nghiệp lữ hành của 13 tỉnh, thành.

Đoàn famtrip khảo sát tại cồn Chim. 

Chương trình xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác của tỉnh Trà Vinh cùng phát triển. Trong đó, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, tập trung xây dựng “hệ sinh thái du lịch”, ưu tiên khởi nghiệp du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 và chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển du lịch bền vững.

Mục tiêu đến năm 2025, du lịch Trà Vinh dự kiến đón 1,7 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 30.000 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch trên 930 tỉ đồng, chi tiêu bình quân của khách du lịch là 1 triệu đồng/lượt. Dự kiến đến năm 2030, Trà Vinh đón hơn 2,5 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 45.000 khách quốc tế. Tổng thu từ du lịch trên 1.850 tỉ đồng, chi tiêu bình quân khoảng 1,8 triệu đồng/lượt du khách. Thời gian lưu trú của khách du lịch tại tỉnh là 1,5 ngày/người. Mục tiêu tập trung xây dựng các điểm đến, kêu gọi đầu tư vào các loại hình du lịch: du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch biển, du lịch sinh thái miệt vườn, du lịch nông nghiệp; hình thành các sản phẩm du lịch tham quan nghiên cứu di sản của đồng bào dân tộc Khmer...

Trên cơ sở này, tỉnh Trà Vinh có 9 nhóm giải pháp: đổi mới nhận thức, tư duy về du lịch; xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển du lịch; đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; ứng dụng công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; phát triển thị trường du lịch; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá; tăng cường quản lý nhà nước về du lịch. Thời gian tới địa phương tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: xây dựng 3 không gian du lịch mới có tính liên vùng (không gian du lịch đô thị xanh, không gian du lịch sinh thái biển, không gian du lịch sinh thái miệt vườn gắn với văn hóa dân tộc); mời gọi các dự án đầu tư du lịch quy mô lớn; đẩy mạnh chuyển đổi số; nâng cao chất lượng và tạo thêm nhiều sản phẩm từ du lịch cộng đồng; đầu tư cho hệ thống giao thông.

Tại tọa đàm, các đại biểu nhìn nhận Trà Vinh có nhiều tiềm năng về du lịch, nhất là các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng. Tuy nhiên các sản phẩm du lịch của Trà Vinh vẫn thiếu tính đa dạng, hạ tầng giao thông tiếp cận các điểm đến còn khó khăn. Các đại biểu đề xuất về xây dựng sản phẩm du lịch địa phương, chú trọng đến văn hóa bản địa, tăng tính trải nghiệm sâu ở các điểm du lịch cộng đồng, xác định thị trường khách trọng điểm, tập vào công tác xúc tiến quảng bá xúc tiến cho các điểm đến mới như cồn Chim, cồn Hô...

Dịp này, các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Long An và Ðồng Tháp ký kết liên kết hợp tác phát triển du lịch, Liên chi hội lữ hành ÐBSCL và điểm du lịch cộng đồng cồn Chim, cồn Hô ký kết biên bản ghi nhớ về hỗ trợ du lịch.

m Trước đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh tổ chức famtrip để kết nối quảng bá du lịch địa phương vào ngày 6-11. Thành viên tham gia đoàn famtrip là các doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh các dịch vụ du lịch tại Cần Thơ, An Giang và Trà Vinh.

Theo đó, đoàn khảo sát tại hai điểm du lịch cộng đồng cồn Chim và cồn Hô. Ðây là các sản phẩm mới với nhiều trải nghiệm độc đáo đang thu hút nhiều du khách đến Trà Vinh.

Ðiểm du lịch cộng đồng cồn Chim (huyện Châu Thành) đi vào hoạt động từ năm 2019, có diện tích hơn 60ha. Tại đây có 17 hộ dân làm du lịch theo định hướng cộng đồng dựa trên các yếu tố thuận thiên, nông nghiệp sạch. Mỗi nhà mỗi sản phẩm với những trải nghiệm khác nhau: đạp xe, câu tôm, câu cua, làm bánh dân gian, các hoạt động trò chơi tuổi thơ, ẩm thực Nam Bộ.

Ðiểm du lịch cộng đồng cồn Hô (huyện Càng Long) hoạt động du lịch từ năm 2020, có diện tích 25ha, trong đó có 12 hộ tham gia làm du lịch. Du lịch cộng đồng cồn Hô còn giữ nguyên nét hoang sơ, người dân làm du lịch theo mô hình du lịch “tự thân” gắn với cộng đồng. Ðiểm nhấn nổi bật của du lịch tại đây là trải nghiệm không gian đèn dầu về đêm.

Các đơn vị lữ hành nhận định du lịch cồn Chim và cồn Hô là những sản phẩm sinh thái cộng đồng đậm chất bản địa, phù hợp xu thế phát triển du lịch xanh, thân thiện môi trường hiện nay. Các sản phẩm này tạo nên nét độc đáo cho du lịch Trà Vinh cũng như mở ra các thị trường đa dạng về nguồn khách. 

Tin, ảnh: ÁI LAM

Chia sẻ bài viết