Dân số Malaysia đã tăng gấp 3 lần trong vòng bốn thập kỷ qua. Thủ đô Kuala Lumpur, từng được biết đến với dân cư thưa thớt và là một trong những thành phố an toàn nhất châu Á, hiện đã trở thành một đô thị mang tầm quốc tế, với sự xuất hiện của hàng loạt trung tâm mua sắm, khách sạn sang trọng và các khu vực ngoại ô nhộn nhịp. Tuy nhiên, đi cùng với đó là tình trạng tội phạm ngày càng gia tăng.
|
Cảnh sát Malaysia tuần tra tại Kuala Lumpur. Ảnh: Getty Images |
Ở Kuala Lumpur hiện nay, các vụ cướp giật, trộm cắp hay các hình thức tội phạm khác được xem là "chuyện thường ngày". Do đó, cư dân tại các khu vực trung lưu và giàu có buộc phải tự bảo vệ cho cộng đồng của mình, kéo theo nhu cầu vệ sĩ tư nhân tăng vọt. Số lượng các công ty bảo vệ được cấp phép trên toàn quốc đã tăng hơn 3 lần trong thập kỷ qua, từ 200 lên 712 công ty. Tình trạng tội phạm leo thang đến nỗi Đại sứ quán Mỹ tại Kuala Lumpur hồi tháng trước đã cảnh báo các công dân của họ ở đây coi chừng bị giật ba lô hoặc túi xách khi ra đường.
Mặc dù làn sóng tội phạm không ngừng gia tăng nhưng theo một số quan chức Chính phủ Malaysia, sau khi tăng gấp đôi trong giai đoạn 2000-2009, các vụ tội phạm bạo lực trên toàn quốc đã giảm mạnh trong 4 năm gần đây. Theo các quan chức trên, sở dĩ các trường hợp phạm tội giảm là do họ đã tăng cường nhân viên cảnh sát trên đường phố, trang bị thêm hệ thống camera an ninh và hàng rào dọc các tuyến đường để ngăn chặn tình trạng trộm cắp, cũng như học hỏi phương pháp giữ gìn an ninh ở các thành phố lớn như New York của Mỹ.
Tuy nhiên, một loạt các vụ phạm tội nghiêm trọng xảy ra trong năm nay, trong đó một số nạn nhân là quan chức chính phủ và người thân của họ, đã khiến các cơ quan chức năng thừa nhận mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Kể từ tháng 8-2013 đến nay, cảnh sát đã bắt giữ hơn 11.000 người bị tình nghi là thành viên các băng đảng tội phạm. Trước thực trạng này, Chính phủ Malaysia hồi tháng trước đã thông qua một đạo luật cho phép cảnh sát bắt giữ những kẻ tình nghi mà không cần xét xử.
Trong bối cảnh tội phạm ngày càng gia tăng, phe đối lập cho rằng chính phủ đang đưa ra các số liệu khống. Nghị sĩ đối lập Tony Pua nói ông không hề tin rằng các con số được công bố là chính xác. Theo Enrico Bisogno, quan chức chịu trách nhiệm thu thập dữ liệu tội phạm tại Văn phòng Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Ma túy và Tội phạm, Chính phủ Malaysia đã ngừng việc cung cấp các số liệu thống kê tội phạm lên LHQ.
Ở một đất nước phụ thuộc rất lớn vào du khách nước ngoài như Malaysia (năm ngoái đón 25 triệu lượt khách quốc tế), việc chính phủ cố gắng "làm nhẹ" mức độ nghiêm trọng của vấn đề tội phạm là có thể hiểu được. Song song đó, Bộ trưởng Nội vụ Ahmad Zahid Hamidi trong một phát biểu mới đây nhấn mạnh rằng chính phủ sẽ "không tiếp tục thỏa hiệp" với tội phạm, đồng thời khẳng định cảnh sát Malaysia sẽ "truy tìm chứng cứ phạm tội" và "tấn công phủ đầu".
TRÍ VĂN (Theo New York Times)