23/02/2024 - 21:34

Tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh có thêm Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 

(CT) - Theo các quyết định vừa được công bố của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Vĩnh Long có thêm 2 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghệ nhân Vũ Linh Tâm, nghệ nhân hát bội tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Long hiện nay và cháu gái trình diễn hát bội. Ảnh: DUY KHÔI

Tại Quyết định 384/QÐ-BVHTTDL, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với di sản “Lễ hội Văn Thánh Miếu”.

Tại Quyết định 385/QÐ-BVHTTDL, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với di sản “Nghệ thuật hát bội tỉnh Vĩnh Long”.

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội Văn Thánh Miếu” thuộc lĩnh vực lễ hội truyền thống, địa bàn TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Theo thông tin từ Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, Di tích quốc gia Văn Thánh Miếu được xây dựng từ năm 1864, được triều đình nhà Nguyễn hướng dẫn điển lễ tế tự và cấp miếu phu để lo việc quét dọn hàng ngày. Văn Thánh Miếu tuy danh nghĩa là đề cao Nho giáo, nhưng thực chất đây là nơi hoạt động văn hóa, đề cao các bậc hiền tài và giáo dục lòng yêu nước. Văn Thánh miếu Vĩnh Long đã trở thành trung tâm văn hóa của khu vực miền Tây Nam kỳ, là nơi các sĩ phu, tao nhân mặc khách từ nhiều nơi quy tụ. Năm 1991, Văn Thánh Miếu Vĩnh Long được xếp hạng di tích quốc cấp gia.

Hằng năm, tại Văn Thánh Miếu tổ chức bốn lễ hội chính: Lễ Xuân Ðinh (vía ngày mất Ðức Khổng Tử, tổ chức vào ngày Ðinh đầu tháng 2 âm lịch), Lễ Thu Ðinh (vía ngày sinh Ðức Khổng Tử, tổ chức vào ngày Ðinh cuối tháng 8 âm lịch), Lễ giỗ cụ Phan Thanh Giản (tổ chức vào ngày mùng 4 và 5-7 âm lịch) và Lễ giỗ các Quan Ðại Thần (tổ chức vào ngày 12 và 13-10 âm lịch). Các lễ hội tại Văn Thánh Miếu tỉnh Vĩnh Long mang nhiều giá trị văn hóa, truyền thống và có sức lan tỏa.

Với Nghệ thuật hát bội ở địa bàn tỉnh Vĩnh Long, thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Vĩnh Long là địa phương có truyền thống hát bội ở Nam Bộ, với các gánh hát bội nức tiếng như Tân Phước Lập, Ðồng Thinh, gánh Bầu Luông (của gia đình NSND Thành Tôn), Bầu Xẫm, Bầu Mầu, Bầu Võ, Bầu Ðây… cùng nhiều nghệ sĩ quê Vĩnh Long làm vang danh hát bội. Ðặc biệt, nhiều dòng họ ở Vĩnh Long có đến 3, 4 đời theo nghề hát bội như Bầu Răng, Vũ Linh Tâm… Tỉnh Vĩnh Long có nhiều nghệ nhân nghệ thuật hát bội được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú như Huỳnh Văn Răng, Nguyễn Văn Tốt, Huỳnh Thị Yến Linh… Hiện nay, tỉnh Vĩnh Long có nhiều giải pháp bảo tồn di sản hát bội như tổ chức lớp truyền nghề, đưa vào trường học, phục vụ du lịch với sản phẩm nổi tiếng là “Ðốt đuốc lá dừa xem hát bội”.

 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng vừa ký quyết định đưa Lễ hội Ðom Lơng Néak Tà của người Khmer tỉnh Trà Vinh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình lễ hội truyền thống.

Ðom Lơng Néak Tà là lễ hội truyền thống gắn với văn hóa, đời sống tinh thần của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh, thể hiện bản sắc của cộng đồng được kế tục qua nhiều thế hệ. Néak Tà đối với người Khmer ở Trà Vinh là vị thần bảo hộ phum, sóc, gia đình. Hằng năm, đồng bào Khmer tổ chức lễ hội cúng Neak Tà vào thời gian giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa (sau Tết Chol Chnam Thmây) để cầu mưa, cầu mùa màng tươi tốt, con người mạnh khỏe bình an. Ðến nay, Trà Vinh đã có 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Lễ hội Ok Om Bok; Nghệ thuật Chầm riêng chà pây; Nghệ thuật Rô-băm của đồng bào dân tộc Khmer; Nghệ thuật Ðờn ca tài tử Nam Bộ; Lễ hội cúng biển Mỹ Long thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang; Lễ hội Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè và Lễ hội Ðom Lơng Néak Tà của người Khmer tỉnh Trà Vinh.

ÐĂNG HUỲNH  - MINH TRÍ

 

Chia sẻ bài viết