28/02/2010 - 09:06

Tình trạng xâm hại tình dục nữ quân nhân Mỹ

Một nữ quân nhân Mỹ. Ảnh: BBC

Sinh ra trong gia đình quân nhân Mỹ, Marti Ribeiro từng mong muốn suốt đời phục vụ trong quân ngũ. Sau khi tốt nghiệp trung học, cô tham gia lực lượng quân dự bị Mỹ và sau đó được điều đến Iraq. Tuy nhiên, khát khao được làm một chuyên viên quan hệ cộng đồng trong quân đội của Ribeiro mau chóng vụt tắt vì sau khi đến Iraq, cô thường xuyên bị quấy rối tình dục. Và không chỉ ở Iraq, tại chiến trường Afghanistan năm 2006, cô cũng bị một đồng đội nam tấn công và cưỡng hiếp.

Câu chuyện trên vừa được hãng tin BBC (Anh) đưa ra là điển hình trong rất nhiều câu chuyện nữ quân nhân Mỹ bị xâm hại tình dục khi tham gia chiến đấu bên cạnh nam giới trong cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, một vấn đề bức xúc và đang gây đau đầu Bộ Quốc phòng Mỹ. Kết quả khảo sát do Đại học Iowa tiến hành dưới sự tài trợ của Bộ Quốc phòng Mỹ cho thấy có tới 30% trong tổng số 500 nữ quân nhân giải ngũ được hỏi cho biết họ từng bị sàm sỡ hoặc cưỡng hiếp. Tương tự, Lầu Năm Góc cũng đưa ra một số liệu đáng lo ngại trong báo cáo năm 2009 về tình trạng trên với khoảng 90% số vụ cưỡng hiếp không được báo cáo.

Nghị sĩ Loretta Sanchez, người đã dày công thu thập tài liệu tố giác tình trạng bạo lực tình dục trong quân đội Mỹ, cho biết: “Chúng tôi nhận rất nhiều cuộc gọi từ nữ quân nhân bị cưỡng hiếp. Thật đau lòng. Một số người không muốn đưa vụ việc ra công chúng, còn một số người đã đưa sự việc ra ánh sáng thì lại bị giải ngũ. Thống kê cho thấy một khi người nào bị cưỡng hiếp trong quân ngũ, thì dường như điều đó sẽ còn tiếp tục tái diễn”.

Tiến sĩ Kaye Whitley, Giám đốc Cơ quan giải quyết và phòng chống xâm hại tình dục của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho rằng rất khó để tường trình một vụ cưỡng hiếp vì một khi họ báo lại sự việc, chỉ huy của họ biết, mọi người trong đơn vị biết, “nó sẽ ảnh hưởng đến tinh thần sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”. Vì lý do này, quân đội Mỹ vừa áp dụng “quyền lựa chọn báo cáo có giới hạn”, cho phép các nạn nhân có thể có được sự chăm sóc y tế và lời hướng dẫn cần thiết, không cần chỉ huy phải lưu ý và không cần phải tham dự một cuộc điều tra nào. Còn đối với những người can đảm báo cáo thì sự vụ sẽ được điều tra một cách nghiêm ngặt và ngày càng nhiều chỉ huy đưa những vụ cưỡng hiếp ra tòa án quân sự.

Theo Hellen Benedict, người nhiều năm nghiên cứu vấn đề bạo lực tình dục trong quân đội, khủng hoảng kinh tế khiến cho số lượng phụ nữ Mỹ tham gia quân đội nhiều hơn bao giờ hết. Phụ nữ phục vụ trong quân ngũ không còn là thiểu số và còn có thể thăng tiến lên nhiều cấp bậc. Vì thế, bà hy vọng điều này sẽ làm thay đổi văn hóa đối xử với nữ giới trong quân đội. “Quân đội cần phải xử lý những kẻ phạm tội, chứ không phải che giấu bằng cách buộc nạn nhân phải từ bỏ công việc của mình”, Benedict nói.

THUẬN HẢI (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết