Ðược sự tài trợ của Tổ chức Saigon Children’s Charity (SCC), sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Dự án “Hỗ trợ can thiệp sớm cho trẻ em có rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK) tại TP Cần Thơ giai đoạn 2022-2024” (Dự án trẻ em RLPTK) tại Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) TP Cần Thơ, ổn định hoạt động tiếp nhận, hỗ trợ can thiệp, mở ra cơ hội hòa nhập cộng đồng cho trẻ em RLPTK.

Nhóm giáo viên Phòng Can thiệp và nhân viên Phòng Chăm sóc tham gia lớp tập huấn hỗ trợ giao tiếp cho trẻ em RLPTK thông qua hình ảnh.
Trang bị kiến thức, kỹ năng
Dự án trẻ em RLPTK phối hợp Trung tâm CTXH thành phố vừa tổ chức lớp tập huấn hỗ trợ giao tiếp cho trẻ em RLPTK thông qua hình ảnh. Nhóm giáo viên Phòng Can thiệp và nhân viên Phòng Chăm sóc tại Trung tâm được tìm hiểu kiến thức, tham gia thực hành thiết kế và áp dụng 2 phương pháp: hỗ trợ giao tiếp cho trẻ em có RLPTK là giao tiếp thay thế và tăng cường; phát triển ngôn ngữ giao tiếp thông qua hình ảnh. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả quá trình hỗ trợ can thiệp sớm cho trẻ em có RLPTK tại Trung tâm. Trước đó, tại buổi tư vấn “RLPTK và các vấn đề sức khỏe tinh thần cho phụ huynh có con bị RLPTK”, các phụ huynh được tìm hiểu kiến thức về những biểu hiện trẻ tự kỷ; hiệu quả việc kịp thời phát hiện và can thiệp sớm cho trẻ em RLPTK. Đồng thời, chia sẻ việc chấp nhận và đồng hành cùng trẻ em RLPTK; biện pháp cải thiện sức khỏe tinh thần, giảm căng thẳng trong cuộc sống…
Ban quản lý Dự án trẻ em RLPTK đã đăng tải thông tin về mô hình can thiệp sớm cho trẻ em RLPTK trên mạng xã hội; tổ chức tọa đàm chia sẻ thông tin, định hướng hỗ trợ phát triển dịch vụ can thiệp sớm cho trẻ em RLPTK; giới thiệu mô hình cho nhân viên CTXH, cán bộ hội, đoàn thể, giáo viên trường mầm non trên địa bàn thành phố. Qua đó, lan tỏa mô hình này đến người có nhu cầu, đủ điều kiện được hỗ trợ. Theo Trung tâm CTXH thành phố, từ khi triển khai Dự án đến nay, Phòng Can thiệp đã tiếp nhận, hỗ trợ can thiệp sớm cho 25 trẻ tại Trung tâm và cộng đồng. Các giáo viên tích cực hỗ trợ can thiệp, theo dõi kế hoạch mục tiêu từng trẻ, để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung phù hợp; hỗ trợ phụ huynh thực hiện bài tập về nhà dạy trẻ. Qua khảo sát, có 80% phụ huynh hợp tác hỗ trợ can thiệp tại nhà cho trẻ theo bài tập của giáo viên. Bà Tăng Thị Mộng Diễm ở phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, có cháu nội được hỗ trợ can thiệp sớm tại Trung tâm. Bà Diễm được giáo viên tư vấn, hướng dẫn bài tập về nhà để tập luyện cùng cháu nội. Bà Diễm vui mừng khi cháu nội có biểu hiện tiến bộ từng ngày…
Đồng hành và chia sẻ
Ông Hồ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm CTXH thành phố, cho biết, hầu hết trẻ tham gia chương trình can thiệp sớm tại Trung tâm có tiến bộ nhất định, nhất là về ngôn ngữ hiểu, diễn đạt, tùy thời gian can thiệp và mức độ rối loạn phát triển mỗi trẻ. Đối với các trường hợp gia đình có trẻ em RLPTK không đủ điều kiện theo quy định (quy định là gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn), các giáo viên hỗ trợ đánh giá phát triển cho trẻ, tư vấn, cung cấp đầy đủ kiến thức về RLPTK để gia đình hiểu rõ hơn hiện trạng của trẻ.
Để nâng cao năng lực, chất lượng phục vụ, Trung tâm CTXH thành phố tạo điều kiện để nhóm giáo viên Phòng Can thiệp và Ban Quản lý Dự án tham gia các lớp tập huấn, đào tạo để hỗ trợ chuyên môn, tham gia thực hành. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về can thiệp, quản lý hành vi trẻ em RLPTK cho phụ huynh, cán bộ y tế. Cô Phan Thị Tiền, giáo viên Phòng can thiệp, chia sẻ: “Tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật can thiệp sớm cho trẻ em RLPTK. Hiện 4 trẻ tôi hỗ trợ can thiệp có tiến bộ hơn so với trước. Tôi cố gắng tự kiểm soát cảm xúc, hành vi; tôn trọng và kiên nhẫn đối với trẻ. Để việc hỗ trợ can thiệp sớm đạt hiệu quả, tôi rất cần sự phối hợp, thống nhất kế hoạch dạy trẻ giữa giáo viên và phụ huynh”. Phụ huynh thấy được sự tiến bộ của trẻ tự kỷ, càng tin tưởng, hợp tác với giáo viên trong quá trình can thiệp. Mạng lưới hỗ trợ tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, phòng khám tâm lý đảm bảo việc kết nối, giới thiệu gia đình có trẻ em RLPTK.
Thời gian tới, Trung tâm CTXH thành phố tiếp tục vận hành và phát triển Phòng Can thiệp, tập trung đánh giá đầu vào, đánh giá định kỳ và điều chỉnh kế hoạch cá nhân phù hợp mức độ tiến bộ của trẻ em RLPTK; quan tâm cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị tập luyện, đồ chơi chức năng đáp ứng nhu cầu từng trẻ em RLPTK. “Song song đẩy mạnh truyền thông, tăng cường tương tác qua mạng xã hội giới thiệu hoạt động mô hình, Trung tâm phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về RLPTK cho nhóm giáo viên Phòng Can thiệp, giáo viên các trường mầm non, cán bộ Hội Phụ nữ, phụ huynh có con bị RLPTK được hỗ trợ can thiệp sớm…” - ông Hồ Thanh Hải cho biết.
Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG