14/06/2019 - 18:20

Tình nghèo

Cơn sốt bại liệt lúc 6 tuổi khiến đôi chân Ngọc ngày càng yếu, đi phải có người đỡ hoặc chống nạng. Vì không tiền chạy chữa, Ngọc còn bị nhiều di chứng khác, vai gù, đôi tay cũng không làm được việc nặng. Học hết lớp 9, cha mẹ bận bịu mưu sinh, không tiện đưa rước con, mà muốn học nữa phải ra thị xã, hoàn cảnh gia đình không cho phép, Ngọc đành gác lại giấc mơ đèn sách. Để không là gánh nặng cho người thân, Ngọc tự tập đi lại trong nhà, rồi học may vá, thêu thùa, nấu ăn, làm bánh…, chăm chút những bữa cơm nóng sốt cho cha mẹ và em sau những buổi làm đồng. Thời con gái trôi qua trong lặng lẽ, biết phận mình, Ngọc không dám nghĩ tới chuyện lứa đôi.

Khi em trai lấy vợ, sinh con, Ngọc càng dành tâm ý cho gia đình, phụ giữ em bé để người lớn đi làm. Năm Ngọc 30 tuổi, có nhóm thợ hồ đến xóm thuê nhà trọ ở, xây khu công nghiệp. Trong số này có Thái, quê ở Long An, mồ côi cha mẹ. Buổi chiều, Thái không lai rai như anh em bạn mà đi lòng vòng trong xóm, khi thì chơi đá banh, đánh cầu với con nít, lúc sửa lại mái nhà, cổng rào khi ai đó cần giúp đỡ. Thấy Thái hiền hậu, cha Ngọc hay kêu lại nhà uống trà,  nói chuyện, ăn cơm cho vui.

Những lần chạm mặt, dù Ngọc lẩn tránh nhưng Thái luôn tìm cách bắt chuyện và bắt đầu để ý thương thầm cô gái có mái tóc suôn dài, gương mặt xinh xắn, ít nói nhưng rất khéo tay. Bốn tháng trôi nhanh, khi công trình sắp hoàn thành, Thái thưa chuyện với gia đình, xin được chăm sóc Ngọc suốt đời. Mọi người chưng hửng, cha Ngọc khuyên Thái suy nghĩ kỹ, bởi Ngọc khuyết tật, sẽ khó chu toàn vai trò người phụ nữ của gia đình. Thái trình bày, thương vì tính tình của Ngọc nên muốn gắn bó lâu dài và sẽ chấp nhận tất cả thiệt thòi; còn Ngọc cười mà rưng rưng nước mắt.

Sau lễ cưới đạm bạc, để gia đình vợ yên tâm, Thái quyết định ở lại quê Ngọc. Gom tiền dành dụm, anh cất mái nhà nhỏ, xin ra riêng. Thái đi làm những công trình gần nhà để có thời gian lo cho vợ. Sợ Ngọc ở nhà buồn, Thái liên hệ các cửa hàng bán quần áo trong chợ rồi mua chiếc máy may công nghiệp cho vợ may gia công, sẵn có thêm thu nhập. Anh còn chỉ Ngọc cách chụp hình, đăng lên mạng các mẫu bánh do vợ sáng chế. Nếu khách đặt hàng, Thái mua nguyên liệu cho vợ làm rồi đi giao. Bao nhiều tiền kiếm được, Thái gởi ngân hàng đứng tên vợ. Anh còn mày mò lắp ráp chiếc xe ba bánh điều khiển bằng tay, để Ngọc đi lại trong xóm. Từ một người mặc cảm, thụ động, sau khi lấy chồng, Ngọc trở nên vui vẻ, hoạt bát, tự tin, gương mặt  rạng ngời hạnh phúc.

Sau 4 năm kết hôn, Ngọc may mắn sinh được bé trai bụ bẫm, giống cha như đúc, Thái càng dành tình yêu thương cho vợ con nhiều hơn. Mỗi buổi chiều, Ngọc chở con ra cổng, đợi chồng. Giữa cuộc đời dài rộng nhiều gian khó, hai vợ chồng dành toàn tâm ý bên nhau. Ngọc thường bảo điều ấm êm, thiêng liêng này không vật chất nào mua được và không phải ai cũng có được nên vợ chồng phải quyết tâm gìn giữ. 

CÁT TƯỜNG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Tình nghèo