05/04/2017 - 20:43

Tinh giản biên chế phải đảm bảo yêu cầu công việc

Vừa qua, Đoàn giám sát Quốc hội làm việc với UBND quận Bình Thủy, quận Ninh Kiều và huyện Phong Điền TP Cần Thơ về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016. Qua đó cho thấy, việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc tinh giản biên chế ổn định bộ máy cán bộ ở địa phương.

Giảm biên chế, tăng hiệu quả

Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015-2021), từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Trong đó, phải xác định đến năm 2021 tinh giản tối thiểu 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước ngày càng tinh gọn, hiệu quả hơn. Thực tế khảo sát cho thấy, quận Bình Thủy đã tinh giản 3 biên chế (1 công chức, 2 viên chức), đang xem xét 2 trường hợp (sẽ giải quyết tinh giản 6 tháng đầu năm 2017). Quận Ninh Kiều, đã tinh giản 7 đối tượng chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác…

Ông Uông Chu Lưu, Trưởng Đoàn giám sát Quốc hội phát biểu tại buổi giám sát.

Theo báo cáo của các địa phương, việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức mới đã ổn định, đi vào hoạt động theo đúng chức năng nhiệm vụ; công tác quản lý, chỉ đạo được tăng cường; giảm số lượng biên chế đáng kể, tiết kiệm ngân sách, đồng thời, tăng tính chủ động, năng động, sáng tạo theo hướng xã hội hóa của các đơn vị. Bên cạnh đó, việc rà soát, sắp xếp lại nhân sự, bố trí sử dụng công chức, viên chức cơ bản phù hợp theo cơ cấu, vị trí việc làm, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ông Lê Tâm Niệm, Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho biết: việc bố trí chức danh kiêm nhiệm cũng là một giải pháp để tinh giản biên chế. Điển hình như quận Bình Thủy, tùy theo nhân sự thực tế từng phường sẽ bố trí các chức danh kiêm nhiệm cho phù hợp với năng lực. Thông thường được bố trí như sau: Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng, Trưởng Ban tổ chức Đảng ủy kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam kiêm Trưởng khối vận…

Ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: "Việc sắp xếp chức danh kiêm nhiệm ngoài việc làm tinh gọn bộ máy còn tăng thu nhập cho cán bộ công chức cấp xã. Ở xã Nhơn Nghĩa, Giai Xuân, Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND; hoặc ở một số xã khác thì Phó Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tình hình hoạt động thực tế của mỗi đơn vị và căn cứ vào danh mục vị trí việc làm được phê duyệt và trên cơ sở quyết định giao biên chế của UBND thành phố, các địa phương xây dựng và thực hiện đề án vị trí việc làm theo quy định để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chung".

Để đạt mục tiêu tinh giản 10% biên chế

Tuy đạt hiệu quả tích cực, nhưng số lượng tinh giản biên chế ở các địa phương hiện rất ít, chưa đảm bảo yêu cầu đề ra. Ông Dương Tấn Hiển, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết: Nguyên nhân chủ yếu là do các quy định về đối tượng, thủ tục thực hiện tinh giản biên chế quá khắt khe, khó thực hiện; thiếu sự quyết tâm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện tinh giản biên chế. Thực tế ở UBND phường Tân An, chỉ có 1 chủ tịch và 1 phó chủ tịch, khi phó chủ tịch nữ nghỉ hộ sản theo quy định thì công việc của phường chỉ có một mình chủ tịch, rất khó đảm đương hết. Đó là chưa kể, nếu phường chỉ có 1 phó chủ tịch thì việc nghỉ phép năm, nghỉ bệnh sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng công việc.

Ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho rằng: Hiện nay, các cơ quan đơn vị chưa xác định được tầm quan trọng của việc tinh giản biên chế, việc tuyên truyền phổ biến chưa được cụ thể hóa, toàn diện, còn xem nhẹ việc đánh giá, phân loại cán bộ công chức viên chức hằng năm. Một số cơ quan, đơn vị trực thuộc vẫn chưa xem trọng việc tinh giản biên chế, muốn giữ ổn định tổ chức, biên chế của đơn vị. Thêm vào đó, việc thực hiện tinh giản biên chế còn nặng vấn đề tình cảm, lãnh đạo ngại va chạm trong việc nhận xét đánh giá nên khó xác định được công chức, viên chức đạt mức độ hoàn thành nhiệm vụ hay không hoàn thành nhiệm vụ.

Ông Trần Ngọc Đường, thành viên Đoàn giám sát Quốc hội đề nghị địa phương cần làm rõ hơn việc sắp xếp bộ máy của các cơ quan chuyên môn. Tinh giản phải đi đôi với đảm bảo hiệu quả, chất lượng công việc. Với những khó khăn, bất cập của địa phương, cần đưa ra cơ chế đánh giá cụ thể như vấn đề tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các địa phương như thế nào; cần làm rõ vấn đề phân cấp, phân quyền. Ông Phạm Trí Thức, thành viên Đoàn giám sát Quốc hội yêu cầu các địa phương đánh giá lại tất cả các vị trí hành chính, chỗ nào cần tăng, chỗ nào không cần, vị trí nào giảm được thì nên giảm, vị trí nào kiêm nhiệm thì triệt để thực hiện nhưng mục tiêu chung phải đảm bảo yêu cầu tinh giản theo quy định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: các địa phương trên địa bàn thành phố đã thực hiện đúng quy định, về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Việc sử dụng cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm, chất lượng đội ngũ đáp ứng được yêu cầu công việc được giao... Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, nhất là chỉ tiêu tinh giản biên chế còn thấp so với quy định đề ra. Các địa phương cần phát huy cụ thể hơn nữa việc thực hiện đề án vị trí việc làm, bố trí chức danh kiêm nhiệm đáp ứng nhu cầu tinh giản nhưng vẫn phải đảm bảo công việc được giao, trên tinh thần một người có thể làm nhiều việc. Tiếp tục thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư và trưởng ấp, chức danh đoàn thể ấp để bảo đảm thu nhập và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ đối với các chức danh này. Đồng thời, cần đẩy mạnh xã hội hóa một số lĩnh vực như y tế, giáo dục ở những địa bàn có điều kiện. Việc đẩy mạnh xã hội hóa góp phần bớt đi gánh nặng biên chế, đạt mục tiêu đến năm 2021 tinh giản 10% biên chế theo quy định.

P.Nguyễn

Chia sẻ bài viết