08/07/2009 - 09:02

Tính đến 17 giờ ngày 7-7-2009, Việt Nam ghi nhận 248 trường hợp dương tính với vi-rút cúm A(H1N1)

* Long An, Hậu Giang phát hiện ca cúm A(H1N1) đầu tiên
* TP Cần Thơ: Diễn tập phát hiện và ứng phó sớm với cúm gia cầm

Ngày 7-7, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường Bộ Y tế Nguyễn Huy Nga cho biết: Việt Nam đã ghi nhận thêm 13 trường hợp dương tính với cúm A (H1N1), trong đó ở miền Nam: 11 ca, miền Trung 2 ca. Như vậy, tính đến 17 giờ ngày 7-7-2009, Việt Nam đã ghi nhận 248 trường hợp dương tính với cúm A (H1N1) nhưng không có tử vong.

Sau gần 40 ngày kể từ khi trường hợp đầu tiên được phát hiện, hệ thống giám sát cúm Quốc gia tại 15 điểm trên toàn quốc và tại các cơ sở khám chữa bệnh chưa phát hiện hiện tượng lây truyền cúm A (H1N1) trong cộng đồng. Hiện nay, số bệnh nhân đã ra viện là 152 người; các trường hợp còn lại đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện trong tình trạng sức khỏe ổn định, không có biến chứng nặng.

Cục trưởng Nguyễn Huy Nga cũng cho biết: Hiện nay, Bộ Y tế đã và đang phối hợp chặt chẽ với tất cả các địa phương, Bộ, ban, ngành liên quan, các nước và các tổ chức quốc tế để theo dõi sát tình hình, triển khai các biện pháp khống chế dịch, giảm thiểu sự lây lan và tác hại của đại dịch tại Việt Nam.

* Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến ngày 7-7-2009 đã có 94.512 trường hợp dương tính với cúm A (H1N1) tại 135 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó có 429 trường hợp tử vong. Tại khu vực Đông Nam Á: Philippines đã ghi nhận 1.709 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp tử vong; Singapore có 1.055 trường hợp dương tính. Bộ Y tế Thái Lan thông báo nước này đã ghi nhận 2.428 ca dương tính, 9 trường hợp đã tử vong do cúm A(H1N1); Brunei có 1 ca tử vong.

* Ngày 7-7, ngành y tế tỉnh Long An phát hiện ca dương tính với cúm A(H1N1) đầu tiên trong tỉnh. Bệnh nhân là một thanh niên Việt kiều Úc về VN trên chuyến bay ngày 3-7.

Tại sân bay Tân Sơn Nhất, cơ quan y tế không phát hiện triệu chứng bệnh. Khi về tạm trú tại huyện Bến Lức – Long An, bệnh nhân bị sốt, ho… và đã tự giác đến Bệnh viện Đa khoa Bến Lức để khám. Ngành y tế tỉnh Long An thực hiện ngay việc xét nghiệm, cho kết quả dương tính với cúm A(H1N1) vào rạng sáng 7-7. Hiện người bệnh đã được đưa về Bệnh viện Đa khoa Long An để cách ly, điều trị. Ngành y tế Long An đang theo dõi chặt chẽ những người thân trong gia đình người bệnh.

* Ca nhiễm cúm A (H1N1) đầu tiên được ghi nhận trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là nam bệnh nhân N.N.B, Việt kiều Úc, 44 tuổi, quê ở ấp Long Bình 1, xã Long Phú, huyện Long Mỹ. Bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A (H1N1) tại Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh.

Anh N.N. B cùng với vợ và 3 con về nước, khi đến sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30-6, con trai lớn của anh chị được cách ly do có thân nhiệt cao sau đó đưa đi xét nghiệm và có kết quả dương tính với cúm A (H1N1) và được đưa vào điều trị cách ly ở Bệnh viện Nhi Đồng I thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, anh B cũng có kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút cúm A (H1N1).

Theo Bác sĩ Phạm Thanh Khôi, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang, sau gần 3 ngày được đưa vào điều trị cách ly tại Bệnh viện Đa khoa huyện Long Mỹ, tình trạng sức khỏe bệnh nhân rất tốt. Nếu trong thời gian 7 ngày bệnh nhân vẫn giữ tình trạng sức khỏe tốt, không có chuyển biến xấu xảy ra, sẽ được xuất viện.

* Ngày 7-7-2009, Dự án Nâng cao năng lực phòng chống cúm gia cầm khu vực tiểu vùng sông Mê Công phối hợp với Ban chỉ đạo Phòng chống cúm gia cầm TP Cần Thơ tổ chức diễn tập tình huống phát hiện và ứng phó sớm với dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm và trên người. Địa điểm diễn tập tại ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh.

Buổi diễn tập xoay quanh các nội dung phát hiện thông tin nghi ngờ, ứng phó khi nghi ngờ có ổ dịch cúm gia cầm, phát hiện và ghi nhận thông tin các trường hợp nghi ngờ cúm A(H5N1) trên người, chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế, tiêu độc khử trùng tại hộ gia đình... Buổi diễn tập nhằm đánh giá khả năng phát hiện sớm, ứng phó kịp thời với dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm và trên người; nâng cao kỹ năng tổ chức thực hiện các mô hình giám sát dịch, phòng lây nhiễm tại cộng đồng... Hoạt động còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và người dân đối với dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm và trên người.

* Chiều 7-7, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cảnh báo: Trong tháng 8 mưa nhiều, nhiệt độ giảm nên khả năng một số dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm có khả năng gia tăng, nhất là dịch tai xanh trên heo. Cục Thú y và Cục Chăn nuôi cần đặc biệt chú ý kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm tại các vùng vừa bị ngập lụt ở phía Bắc, chuẩn bị đủ cơ số thuốc tiêm phòng dịch.

PV TTXVN - S. KIM

Chia sẻ bài viết