29/02/2024 - 14:54

Tin tức thế giới ngày 29-2 

Anh nỗ lực đảo ngược tình trạng giảm tỷ lệ tiêm phòng ở trẻ em

Ngày 29-2, Anh phát động đợt tuyên truyền vận động nhằm tăng tỷ lệ tiêm chủng ở trẻ em, qua đó “khẩn cấp đảo ngược” tình trạng tỷ lệ này đang giảm sút trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với đợt bùng phát bệnh sởi ngày càng trầm trọng. 

Tuyên bố của Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA) cho biết từ tuần tới, các phương tiện truyền thông, bao gồm cả một chiến dịch truyền hình, sẽ đăng các khuyến cáo, cảnh báo các bậc phụ huynh về những nguy cơ đối với trẻ khi bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng.

Giám đốc điều hành UKHSA, bà Jenny Harries nhấn mạnh cần nhanh chóng đảo ngược tình trạng sụt giảm tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em để bảo vệ cộng đồng. Bà cảnh báo nếu không cải thiện tình trạng này, những căn bệnh đã có vaccine phòng ngừa sẽ tái bùng phát và gây bệnh nặng hơn. 

Chiến dịch tiêm phòng được phát động trong bối cảnh số ca mắc sởi gia tăng ở Anh. Riêng trong 4 tuần qua, Anh đã ghi nhận hơn 180 ca mắc mới. Số ca mắc đã tăng lên 650 ca kể từ ngày 1-10-2023. 

Tỷ lệ tiêm chủng định kỳ cho trẻ em ở Anh, bao gồm bệnh sởi, quai bị và rubella, bạch hầu và bại liệt, đã giảm dần trong thập kỷ qua và thậm chí giảm mạnh hơn sau đại dịch COVID-19. Từ đó đến nay, tỷ lệ này chỉ phục hồi nhẹ, song vẫn thấp hơn mục tiêu bao phủ 95% để tạo khả năng miễn dịch cộng đồng do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra.

Một bệnh nhi mắc bệnh sởi ở Anh. Ảnh: Science Photo Library


Nhật Bản phát triển công nghệ sản xuất điện từ chất thải phóng xạ

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (JAEA) đang phát triển hai loại thiết bị tạo ra điện thông qua việc chuyển đổi nhiệt và bức xạ từ chất thải hạt nhân thành điện năng. Mục đích cuối cùng của JAEA là nhằm phát triển một loại “pin hạt nhân” có thể sử dụng nhiều thập niên.

JAEA dự kiến sẽ giới thiệu các thiết bị này vào năm 2025. Thiết bị tạo ra điện bằng bức xạ sử dụng cơ chế tương tự như pin Mặt trời - tạo ra điện từ tia alpha và beta từ các chất phóng xạ Americium-241 và Strontium-90 có trong chất thải hạt nhân. Với thiết bị sản xuất điện nhờ hấp thụ nhiệt từ chất chải phóng xạ, JAEA đã cải tiến vật liệu và phương pháp sản xuất điện để tạo ra một vật liệu có khả năng chống bức xạ cao. Nhờ đó, hiệu suất phát điện của thiết bị được kỳ vọng sẽ không suy giảm trong vài trăm năm.

Tận dụng hai yếu tố bức xạ và nhiệt từ chất thải hạt nhân, JAEA đặt ra mục tiêu ban đầu là tạo ra nguồn năng lượng tính bằng đơn vị watt để sạc điện thoại thông minh vào năm 2028 và có thể tạo nguồn năng lượng mạnh gấp hàng nghìn lần tính bằng kilowatt (kW) vào năm 2035.

“Pin hạt nhân” phù hợp cho các ứng dụng cần sử dụng nguồn điện trong thời gian dài và ở những nơi khó cung cấp điện. Trong tương lai, công nghệ này sẽ hữu ích cho việc giám sát chất thải phóng xạ cấp độ cao dự kiến được chôn dưới lòng đất và cung cấp năng lượng cho các tàu thăm dò không gian.

Một nhà máy điện hạt nhân của Nhật ở tỉnh Fukui. Ảnh: Japan News


Malaysia đề xuất trợ cấp một lần cho người sử dụng xe điện

Ngày 28-2, Bộ Đầu tư, thương mại và công nghiệp Malaysia (MITI) đã trình Hạ viện đề xuất trợ cấp một lần cho người sử dụng xe điện (EV) để thúc đẩy sự phát triển của ngành EV trong nước.

Phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur dẫn phát biểu của Thứ trưởng MITI Liew Chin Tong cho biết đề xuất đã được gửi đến Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét và điều chỉnh trong cuộc họp Ban chỉ đạo xe điện quốc gia (NEVSC). Khoản trợ cấp này có thể khuyến khích người dân, đặc biệt là Nhóm M40 (40% người dân có mức thu nhập trung bình) chuyển từ sử dụng xe động cơ đốt trong truyền thống sang EV, qua đó góp phần giúp ngân sách quốc gia giảm bớt khoản tài chính dùng để trợ cấp xăng dầu trong dài hạn.

Chiến lược giảm phát thải carbon giai đoạn 2021-2030 được chính phủ Malaysia công bố vào năm 2020 đã đặt mục tiêu thiết lập 10.000 trạm sạc cho xe EV vào năm 2025, trong đó 9.000 trạm sử dụng bộ sạc AC (dòng điện xoay chiều) và 1.000 trạm sử dụng bộ sạc DC (dòng điện một chiều). Tính đến ngày 31-12-2023, Malaysia đã lắp đặt được 2.020 trạm sạc tại 750 địa điểm trên toàn quốc.

Theo thống kê, doanh số bán xe điện chạy bằng pin (BEV) trong năm 2023 của Malaysia đã tăng hơn 400%, từ 3.127 chiếc trong năm 2022 lên 13.257 chiếc.

Xe điện chạy bằng pin ở Malaysia. Ảnh: WapCar

PV (TTXVN)

Chia sẻ bài viết