30/11/2019 - 07:33

Tín hiệu vui từ các đội tuyển 

Tiền vệ Tuấn Anh trong màu áo tuyển quốc gia. Ảnh: DƯƠNG THU

Hòa Thái Lan ở lượt về vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á là trận đấu cuối cùng trong năm 2019 của đội tuyển Việt Nam. Khép lại năm 2019 với những thành công ngoài mong đợi, nhưng điều đáng mừng hơn với bóng đá Việt Nam là sự hình thành một lối chơi mang bản sắc riêng của các đội tuyển quốc gia.

Kể từ khi bóng đá Việt Nam trở lại hội nhập với khu vực, được đánh dấu bằng chiếc huy chương bạc SEA Games năm 1995 đến nay, nhiều thế hệ cầu thủ tài năng xuất hiện qua nhiều thời HLV. Những thế hệ tiếp nối nhau từ thời của những Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Công Minh, Hoàng Bửu… đến Văn Quyến, Quốc Vượng, Minh Phương, Tài Em… mang đến nhiều niềm vui nhưng cũng có không ít nỗi thất vọng cho người yêu bóng đá Việt. Vấn đề ở chỗ các thế hệ tài năng này không có sự tiếp nối ổn định về mặt chiến thuật trong cách chơi, hay nói đúng hơn là còn thiếu triết lý bóng đá phù hợp với cầu thủ Việt. Thế nên, ngay cả những HLV thành công nhất với bóng đá Việt Nam thời gian trước là Henrique Calisto hay Alfred Riedl, đều dừng lại ở thành tích trong khu vực Đông Nam Á. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại như ông Riedl từng nói là “bóng đá Việt xây nhà từ nóc”… Tuy nhiên, hiện nay, dưới thời ông Park Hang-seo, bóng đá Việt đã khác rất nhiều với hệ thống đào tạo trẻ được nhiều CLB đầu tư bài bản, có thể coi như “nhà được xây từ móng”. Đơn cử, nhìn vào tuyến giữa của đội tuyển quốc gia và U22 Việt Nam đang thi đấu tại SEA Games để thấy rằng có sự tiếp nối và đồng bộ về mặt lối chơi của các đội tuyển quốc gia, do ông Park Hang-seo dẫn dắt.

Trong chiến dịch vòng loại World Cup 2022 của đội tuyển Việt Nam, bộ đôi tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh - Đỗ Hùng Dũng giữ vai trò quan trọng trong sơ đồ chiến thuật của HLV người Hàn Quốc. Cái hay của Tuấn Anh, không chỉ ở những tình huống cầm bóng và xử lý khéo léo, hay những tình huống qua người đầy kỹ thuật, mà còn ở tư duy chơi bóng hiện đại, một lối chơi lãng tử và đặc biệt là khả năng thoát pressing ấn tượng. Trong sơ đồ chiến thuật của ông Park, Tuấn Anh được ví như Pirlo của Việt Nam: vừa mạnh mẽ, vừa mềm mại ở khu vực giữa sân. Người đá cặp với Tuấn Anh là Đỗ Hùng Dũng của Hà Nội, thật sự hoạt động như tiền vệ con thoi lên công về thủ không biết mệt mỏi trong mỗi trận đấu. Không chỉ gây ấn tượng bởi chuyên môn, Hùng Dũng còn nổi tiếng với thái độ tập luyện và làm việc vô cùng chuyên nghiệp, đó là một phần lý do để HLV Park đặt niềm tin vào Hùng Dũng trong mỗi đợt chuẩn bị cho đội tuyển quốc gia.

Niềm vui của Triệu Việt Hưng. Ảnh: Bình Phước Online

Hình ảnh của bộ đôi tiền vệ này đã thấp thoáng xuất hiện trong lối chơi của U22 Việt Nam tại SEA Games 30 đang diễn ra tại Philippines, với Triệu Việt Hưng (lứa cầu thủ đàn em Tuấn Anh tại Hoàng Anh Gia Lai) và Trương Văn Thái Quý (Hà Nội). Dù chưa thật sự phối hợp nhịp nhàng như các đàn anh nhưng họ cho thấy một bản sắc trong lối chơi của các đội tuyển.

Với lối đá phòng ngự phản công chủ động mà HLV Park đang xây dựng, ông sẽ cần một tiền vệ thu hồi bóng, hỗ trợ, giảm tải áp lực cho hàng phòng ngự. Đá bên cạnh cầu thủ ấy, sẽ cần một cái tên có thể chia bài, thoát pressing để phát động tấn công, chuyển trạng thái và tạo cơ hội. Có thể nói, với Tuấn Anh và Hùng Dũng ở đội tuyển Việt Nam hay Việt Hưng - Thái Quý ở U22, các đội tuyển Việt Nam có một tấm khiên phía trước hàng phòng ngự, cùng với một ngọn giáo sắc bén hỗ trợ cho hàng tấn công, luôn nguy hiểm cho mọi đối thủ.

NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết